Chào mừng các bạn đến với Hội Cờ Vua - Sân chơi trí tuệ dành cho mọi người - Cờ Vua giúp khai mở trí tuệ, kích hoạt não giúp trẻ thông minh hơn, ngoan hơn, học giỏi hơn. Liên hệ đăng ký học thử tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế Hotline: 090.264.1618

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Kiện tướng quốc tế và hành trình chinh phục các đỉnh cao

 Làm thế nào Nguyễn Thiên Ngân, nữ sinh đến từ Thái Nguyên trở thành Kiện tướng quốc tế, liên tục gặt hái thành công khiến cả đất nước tự hào? Đó là câu chuyện đầy cảm hứng về niềm đam mê, sự hy sinh và khát khao chinh phục.

Với Nguyễn Thiên Ngân, cờ vua có thể là định mệnh. Khi còn nhỏ, trong số rất nhiều các môn học năng khiếu để lựa chọn, cô đã chọn cờ vua. Dĩ nhiên không hề có sự tình cờ nào ở đây.

“Em chọn vì ít người đăng ký”, Thiên Ngân chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong. Garry Kasparov, Vua cờ của mọi thời đại, từng nói rằng “là một kỳ thủ, bạn không thể thành công nếu đi theo lối mòn, biến mình thành món hàng thông dụng và dễ đoán”. Ngay từ đầu cô đã tìm kiếm sự khác biệt, chọn cho mình lối đi riêng.

Kiện tướng quốc tế và hành trình chinh phục các đỉnh cao ảnh 1

Nguyễn Thiên Ngân, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) là niềm tự hào của tuổi trẻ Thái Nguyên

Đó chắc chắn không phải con đường dễ dàng. Lý do ít người chọn cờ vua là phong trào cờ vua ở Thái Nguyên chưa phát triển. Dần bị hấp dẫn bởi bàn cờ và bộc lộ năng khiếu vượt trội, nhưng rất khó để Thiên Ngân tìm thầy cũng như môi trường.

Em Nguyễn Thiên Ngân hiện là học sinh lớp 12A4 Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên). Năm 2022, Ngân tham gia nhiều cuộc thi và giành được nhiều huy chương. Trong đó có 1 Huy chương Vàng Giải Vô địch Cờ vua trẻ châu Á; đạt danh hiệu Kiện tướng quốc tế nữ (WIM); 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc Giải Vô địch Cờ vua trẻ Đông Á lần thứ VI; 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng Giải Vô địch Cờ vua đồng đội quốc gia... Ngân là một trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Nhằm thỏa mãn đam mê và phát triển bản thân, cô bé sinh năm 2005 phải tự mày mò học, đánh online, đồng thời tìm tòi những bài tập chiến lược trên mạng và tự giải. Rồi mỗi cuối tuần, Thiên Ngân cùng bố rong ruổi trên xe máy từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để luyện cờ và cọ xát. Lớn thêm một chút, cô tự bắt xe khách rồi đi nhờ xe đến nơi tập luyện.

Ngạc nhiên là Thiên Ngân không bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay chán nản. “Em luôn cảm thấy vui với mỗi chuyến đi, với những nước cờ mới, cách triển khai lực lượng và sự biến hóa kỳ diệu của cờ vua”, cô nói. Bàn cờ với hai màu đen trắng trông thật nhàm chán với nhiều người, nhưng là cả thế giới với cô. 64 ô cờ và 16 quân tạo nên những cuộc phiêu lưu không giới hạn của trí tưởng tượng.

Thật ra cũng có những lúc Thiên Ngân cảm thấy thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Họ có nhiều thời gian để vui chơi, trong khi cô đóng trang sách lại mở bàn cờ, cố gắng tận dụng tối đa quỹ thời gian để cân bằng giữa việc học và tập luyện. Trước mỗi giải đấu, Thiên Ngân sẽ tập luyện với cường độ cao. Đến khi kết thúc, lập tức học bù để khỏa lấp khối lượng kiến thức bị hao hụt.

“Đôi khi em cũng cảm thấy ghen tị với các bạn, nhưng với cờ vua, em có những người bạn mới cùng các trải nghiệm mà người khác không có. Sau cùng, với các thành quả đạt được, em cảm thấy sự hy sinh là xứng đáng”, cô gái Vô địch giải Cờ vua trẻ châu Á, vượt mốc Elo 2.000 để trở thành Kiện tướng quốc tế nữ (WIM) trong năm 2022, chia sẻ.

Mục tiêu trở thành nữ Đại kiện tướng quốc tế

Huyền thoại làng cờ Rudolf Spielman không sai khi nói, “chúng ta không thể cưỡng lại cám dỗ của sự hy sinh, vì niềm đam mê hy sinh là một phần bản chất của người chơi cờ”.

Theo Thiên Ngân, cờ vua chính là cuộc sống. “Đi đâu, nhìn bất cứ điều gì em cũng liên tưởng đến cờ”, cô cho biết, “Mỗi khi có một vấn đề xảy ra, em sẽ đặt ra vô vàn giả thiết cho ra những khác nhau”. Chúng ta biết rằng cờ vua là nghệ thuật phân tích. Giữa ma trận các nước đi, làm thế nào có thể thực hiện nước đi đúng trong hàng ngàn, hàng triệu khả năng là điều cần tính toán.

Là Kiện tướng quốc tế, đương nhiên kỹ năng tính nước của Thiên Ngân vượt xa người thường. Nhưng cô không muốn dừng lại ở đó. Chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, nữ sinh lớp 12 nằm trong danh sách đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 cho biết, mục tiêu dài hạn của cô là trở thành nữ Đại kiện tướng quốc tế, danh hiệu cao nhất trong cờ vua. Cho đến nay mới chỉ có 40 nữ Đại kiện tướng quốc tế. Không có người Việt nào trong số đó.

Dù vậy, không quan trọng bạn đến từ đâu, quan trọng là bạn có dám ước mơ để đi xa đến đâu. “Khi bắt đầu chơi cờ và tham gia những cuộc thi đầu tiên, nhiều người nói em đừng mơ mộng quá. Rằng, ở tỉnh lẻ như Thái Nguyên làm sao có thể đọ được những nơi khác”, Thiên Ngân nhớ lại. Sự hoài nghi đến từ việc chưa từng có kỳ thủ nổi tiếng nào sinh ra ở mảnh đất này. Và Thái Nguyên chỉ được biết đến với những đồi chè.

Chứng minh họ đã sai trở thành động lực của Thiên Ngân. Từ chức Vô địch U12 Đông Nam Á đến huy chương Vàng Giải trẻ châu Á, Thiên Ngân cho tất cả thấy, một nơi cờ vua không phát triển như Thái Nguyên vẫn có thể chiếm lĩnh đỉnh cao quốc tế. Bây giờ, hành trình chinh phục của cô gái 18 tuổi lại tiếp tục.

Theo Báo Tiền Phong

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Lê Quang Liêm và Nakamura cùng đánh giải đồng đội Pro Chess League 2023

Đại kiện tướng quốc tế cờ vua Lê Quang Liêm đang tham dự giải đồng đội Pro Chess League 2023 và đồng đội của Liêm có đại kiện tướng Nakamura Hikaru.

Lê Quang Liêm thi đấu giải Pro Chess League 2023. Ảnh: Chess24
Lê Quang Liêm thi đấu giải Pro Chess League 2023. Ảnh: Chess24

Giải Pro Chess League 2023 là giải đồng đội và thi đấu trực tuyến (online). Toàn giải có 16 đội tham dự qua đó chọn 8 đội có kết quả tốt nhất để vào lượt loại trực tiếp, tranh vô địch. Giải thi đấu thi đấu cờ nhanh theo hệ Thụy Sĩ với 9 ván quy định. Vòng thi đấu chính của giải đã bắt đầu từ ngày 14-2.

Ban tổ chức cho biết, trong tuần 1 tới 3 của giải, 2 đội đứng đầu sẽ vào vòng tiếp theo còn 2 đội xếp cuối bị loại. Ở tuần thứ 4 và thứ 5 giải đấu, 3 đội xếp cao nhất lọt vào vòng tiếp còn 3 đội có kết quả thấp nhất bị loại...

Lê Quang Liêm tham dự giải lần này trong đội cờ có tên Gotham Knights cùng các đại kiện tướng Hikaru Nakamura (Mỹ), Andy Woodward (Mỹ), Nataliya Buksa (Ukraina). Đội này đang tạm đứng hạng 6 với 2 điểm đã có ở lượt đấu trong tuần đầu của giải. Trong tuần đầu, đối thủ của đội cờ Lê Quang Liêm tham gia là đội Berlin Bears (tới từ Đức). Cá nhân Lê Quang Liêm gặp 4 đối thủ của đội Berlin Bears giành 3 thắng, 1 thua. Tuần đầu của giải diễn ra từ ngày 14 tới 18-2; tuần thứ 2 từ ngày 21 tới 24-2; tuần 3 từ ngày28-2 tới 3-3; tuần 4 là từ ngày 8 tới 10-3 và tuần 5 là từ 16 tới 17-3. Tứ kết của giải bắt đầu từ 30 tới 31-3 sau đó ban tổ chức sẽ công bố lịch thi đấu bán kết và tứ kết.

Đội vô địch giải sẽ nhận thưởng 25.000 USD từ ban tổ chức tuy nhiên qua mỗi vòng, các đội sẽ có thưởng tùy theo thành tích thi đấu.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Mong con... đôi lần vấp ngã

"Mong con đôi lần vấp ngã để trải nghiệm, thấy mình lớn khôn". Lắm lúc tôi muốn dùng câu nói ẩn ý đầy ước mong lạ lùng ấy để khuyên nhủ và động viên cô học trò bé nhỏ của mình cứ băng băng tiến về phía thành công rực rỡ.



Con là cô bé nữ sinh lớp 8 giỏi toàn diện mà tôi cùng bao đồng nghiệp phải gật gù công nhận lẫn yêu mến, tự hào. Điểm tổng kết các môn văn hóa của con luôn cao nhất trường. Thành tích hoạt động văn nghệ, thể thao với nhiều tấm huy chương về bơi lội, cầu lông, cờ vua suốt bao năm học thắm tô thêm tài năng của con.

Những buổi họp phụ huynh, bố mẹ con cực kỳ tự hào về con gái mình và nụ cười rạng ngời những kỳ vọng lớn lao. Bố mẹ bạn bè nhìn con với ánh mắt ngưỡng mộ, xem con là tấm gương sáng để các bạn noi theo. Còn giáo viên chúng tôi vừa vui vừa nhen nhóm nỗi lo về "cái gông" thành tích quàng vào vai con trẻ: luôn phải xuất sắc, luôn phải dẫn đầu trong mọi hoạt động.

Con chưa một lần vấp ngã nên chưa hề thấy đau. Con chưa một lần thất bại nên chẳng hề biết mùi vị của kẻ thua cuộc. Con cũng chưa một lần thua trong cuộc đấu nào nên không hề nhận ra rằng có lúc cần phải đi chậm lại một tí, bước trễ nhịp một chút, lùi lại một vài đoạn đường. Thế rồi…

Huy chương vàng giải cờ vua cấp thị xã đưa con đến với giải đấu cấp tỉnh quy mô lớn hơn, quy tụ nhiều tay cờ xuất sắc hơn. Con đánh trượt một nước cờ, thua một bàn đấu trí. Một nước cờ thua ngờ đâu là một cú sốc tâm lý khiến con quay cuồng với nỗi lo thua cuộc. Con khóc nức nở. Những ván cờ nối tiếp trượt dài, không phải vì con kém cỏi mà vì áp lực về tấm huy chương đè nặng khiến con thiếu sự tỉnh táo để cẩn trọng trong từng nước cờ.

Sau đợt ấy, con khóc sưng mắt, buồn khoảng một tuần mới nguôi ngoai đôi phần. Lần đầu tiên nếm mùi thất bại sẽ chẳng dễ dàng gì. Thế nhưng, lần đó sẽ giúp con lớn khôn, trưởng thành và chín chắn lên. Mọi cuộc đua thành tích chỉ là cuộc chơi để cọ xát, thử thách bản thân. Nếu chẳng may làm chưa tốt, thi chưa giỏi cũng chẳng phải là điều gì kinh khủng. 

Cuộc đời vẫn luôn đặt ra cho chúng ta vô số ngã rẽ để lựa chọn. Cuộc sống vẫn luôn thử thách chúng ta bằng vô vàn khó khăn, trở ngại. Con đường tiến về đích không phải lúc nào cũng trải thảm hoa hồng để ta bước nhẹ tênh. Sẽ có lúc bước chân ta chậm lại, thỉnh thoảng phải đổi hướng đôi ba lần mới tiến về đích. Quan trọng là con vẫn nuôi dưỡng đủ đầy ý chí, nỗ lực để theo đuổi đến cùng những ước mơ lớn của cuộc đời.

Vậy nên, trong bất kỳ cuộc đua nào, cuộc đời cho phép chúng ta quyền thua cuộc. Thua cuộc nhưng không được phép gục ngã, thất bại nhưng không đồng nghĩa với tuyệt vọng.

Trang Nguyễn

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Lê Quang Liêm góp mặt CLB giải thưởng 100.000 USD

 Tham gia hàng loạt giải đấu trực tuyến lẫn trực tiếp với sự góp mặt của rất nhiều hảo thủ, siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm được ghi nhận là một trong những kỳ thủ gặt hái nhiều thành tích nhất của làng cờ thế giới trong năm 2022.

Lọt vào đến bán kết Charity Cup hồi tháng 3 rồi giành ngôi á quân tại chặng chính Oslo Esports Cup diễn ra vào tháng 4, về nhì tại Prague Chess Masters, Lê Quang Liêm tiếp tục góp mặt tại Tour Finals danh giá dành cho 8 kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới và là người duy nhất có điểm trước "vua cờ" Magnus Carlsen để kết thúc ở vị trí thứ 4 chung cuộc.

Tháng 7, Lê Quang Liêm xuất sắc lên ngôi tại Giải Cờ vua Biel Grandmaster 2022 sau khi tranh tài ở cả 3 nội dung với tổng số 28 ván đấu, bỏ xa người về nhì là Andrey Esipenko đến 3 điểm.

Lê Quang Liêm góp mặt CLB giải thưởng 100.000 USD - Ảnh 1.

Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm vô địch Giải Biel Grandmasters 2022. (Ảnh: BCF)

Không chỉ lần đầu tiên chen chân vào tốp 20 thế giới theo bảng xếp hạng của FIDE, Lê Quang Liêm khi về nước tham gia tranh tài tại SEA Games 31 trong màu áo tuyển Việt Nam cũng đã giành được 2 HCV các nội dung đồng đội cờ nhanh và cờ chớp, góp phần giúp cờ vua Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với 7 HCV.

Chưa tính đến tiền thưởng cho 2 ngôi vô địch đồng đội tại SEA Games, chỉ riêng các danh hiệu cá nhân đã mang về cho Lê Quang Liêm tổng giải thưởng lên đến 134.500 USD (khoảng trên 3 tỉ đồng), giúp anh trở thành kỳ thủ "săn giải thưởng" hạng 14 thế giới và số 2 tại châu Á.

Thống kê chi tiết từ trang cờ vua uy tín chess.com cũng ghi nhận việc Lê Quang Liêm lần đầu góp mặt trong số các kỳ thủ có được khoản thu nhập từ giải thưởng đạt mốc 100.000 USD trong 1 năm. Theo bảng xếp hạng của chess.com, kỳ thủ "săn giải thưởng" số 1 châu Á là Hikaru Nakamura với 515.795 USD (khoảng 12,1 tỉ đồng) từ việc tham dự 10 giải đấu trong năm.

Kỳ thủ Nhật Bản này dù vậy chỉ xếp số 3 thế giới; đứng đầu về kiếm tiền trong làng cờ vua năm 2022 là Magnus Carlsen. Kỳ thủ người Na Uy được mệnh danh "vua cờ" có khoản thu nhập từ giải thưởng lên đến 558.596 USD (khoảng 13,1 tỉ đồng).

Theo Báo Người Lao Động

Cờ vua Việt Nam: Những 'vầng trăng khuyết' trên bảng vàng quốc tế

 Những cô gái không may mắn bị khiếm thị nhưng với họ, ánh sáng là từ nỗ lực của trái tim để khẳng định bản thân.

Nữ vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Mỹ Linh.
Nữ vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Mỹ Linh.

Họ đã ghi danh trên đấu trường cờ vua quốc tế với bảng vàng thành tích đáng ngưỡng mộ.

Vận động viên triển vọng

Những vận động viên khuyết tật luôn là những tấm gương nghị lực vươn lên. Với họ, những thành tích mang lại không chỉ là vinh quang cho bản thân, gia đình, mà còn là sự khẳng định, lan tỏa nghị lực sống đẹp đẽ. Do vậy, qua mỗi năm tháng, họ lại thêm quyết tâm rèn luyện để những người có cùng hoàn cảnh có thêm động lực bước tiếp đầy tự tin, rạng rỡ. Đồng hành cùng Nguyễn Thị Hồng nhiều năm qua, huấn luyện viên Bùi Quang Vũ cho biết, vào thời điểm năm 2014, kiến thức về cờ của cô còn khá sơ sài nhưng bù lại là khả năng tính toán, quyết tâm cao trong thi đấu và tinh thần tự tập luyện. Thế nhưng, dù mọi khó khăn, thử thách thì Hồng vẫn luôn vượt qua và là niềm tự hào của những người khuyết tật.

Bị khiếm thị từ nhỏ nhưng nghị lực vượt khó của nữ vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Hồng khiến nhiều người nể phục. Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) năm 2022 diễn ra tại Indonesia, Nguyễn Thị Hồng đã giành 2 Huy chương Vàng cá nhân.

Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1998, là con thứ hai trong một gia đình có 4 chị em ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), Hồng chịu cảnh thiệt thòi khi hai mắt bị giảm thị lực do thoái hóa võng mạc sắc tố. Khát khao được đến trường như bao bạn cùng trang lứa, đến năm 7 tuổi ước mơ của Hồng đã thành hiện thực.

“Tôi học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu khi vào lớp 2. Với một đứa trẻ khiếm thị từ quê ra thành phố, thực sự có nhiều bỡ ngỡ khó khăn. Biết thế nên bố phải thuê nhà trọ gần trường và tìm một công việc kiếm kế mưu sinh khá vất vả để được gần gũi, chăm sóc tôi”, Hồng nhớ lại.

May mắn đã mỉm cười với Hồng khi có một nhóm sinh viên tình nguyện Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh mỗi tuần một buổi hướng dẫn học sinh trong lớp của Hồng chơi cờ vua.

Ban đầu, Hồng phải làm quen với các quân cờ một cách khó khăn vì thị lực không đủ để nhìn rõ đâu là vua, đâu là hậu, là xe... Thế nên, cô bé Hồng phải vừa cố căng mắt vừa phải sờ chi tiết để định hình sự khác biệt của từng quân cờ. Hồng cũng chỉ nghĩ tham gia theo phong trào, song qua những ván đấu “sáng nước”, các anh chị sinh viên phát hiện ra Hồng có năng khiếu đặc biệt ở môn thể thao trí tuệ này.

Miệt mài khổ luyện, những nước cờ táo bạo, hiệu quả của Hồng đã khuất phục bao đối thủ. Nhận được sự tin tưởng từ Ban huấn luyện, Hồng thường xuyên góp mặt ở các kỳ cuộc thể thao thường niên của người khuyết tật và thường đoạt từ 2 đến 4 huy chương tại mỗi giải đấu.

Mới đây, ngay trong lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia, Hồng đã đoạt 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc cá nhân và 3 Huy chương Vàng đồng đội ở ASEAN Para Games năm 2022 tại Indonesia.

Đồng hành cùng Nguyễn Thị Hồng nhiều năm qua, huấn luyện viên Bùi Quang Vũ cho biết, vào thời điểm năm 2014, kiến thức về cờ của cô học trò còn khá sơ sài nhưng bù lại là khả năng tính toán, quyết tâm cao trong thi đấu và tinh thần tự tập luyện.

Đến năm 2016 khi chính thức là vận động viên của đội tuyển cờ vua người khuyết tật Hà Nội, Hồng gặp nhiều khó khăn trong việc vừa sắp xếp thời gian hoàn thành chương trình học trung học phổ thông (học hòa nhập), vừa phải nỗ lực trong việc theo kịp chương trình tập luyện cờ vua.

Cô gái khiếm thị bày tỏ: “Tôi trân trọng dành tặng những tấm huy chương quý báu cho mái trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Ban lãnh đạo đội tuyển thể thao người khuyết tật Hà Nội và bố mẹ. Đây là những người thân yêu đã chắp cánh cho tôi bay tới một tương lai tươi sáng”.

Nữ vận động viên dự định, trong tương lai vẫn tiếp tục theo đuổi môn cờ vua, rèn luyện và thi đấu. Điều cô đang ấp ủ là ước mơ mở lớp, trở thành cô giáo dạy cờ vua. Nguyễn Thị Hồng gửi gắm thông điệp: “Chúng ta hãy làm những gì bản thân yêu thích và hãy yêu những điều mà chúng ta đã làm”.

Cờ vua Việt Nam: Những 'vầng trăng khuyết' trên bảng vàng quốc tế ảnh 1

Nguyễn Thị Hồng được trao Huy chương Vàng tại ASEAN Para Gamess 2022.

Chơi cờ để tìm thấy niềm vui

Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, nhưng bước sang tuổi thứ 5, điều không may mắn đã xảy đến với Mỹ Linh khi gia đình phát hiện em bị khối u ở não. Ca phẫu thuật không hoàn hảo đã gây ảnh hưởng tới dây thần kinh thị giác khiến Mỹ Linh bị khiếm thị.

Thay vì được cặp sách tới trường như các bạn đồng trang lứa, Mỹ Linh dần phải làm quen với các hoạt động, thói quen của người khiếm thị.

“Hồi còn bé, thấy các bạn cùng trang lứa được đến trường mà mình không được thì tôi thấy rất buồn. Lúc đấy, tôi bắt đầu chơi cờ nhiều hơn. Từ khi 5 tuổi, thấy anh trai chơi cờ vua, tôi đã học và biết cách đi quân, những nước cờ căn bản từ thời điểm ấy nhưng cũng chỉ chơi vui”, Mỹ Linh chia sẻ.

Lâu dần, niềm đam mê cờ vua được hình thành ở cô gái trẻ. Tới năm 2017, Mỹ Linh bén duyên với đội tuyển cờ vua Việt Nam và nhanh chóng giành được những thành tích đầu tiên.

Cờ vua Việt Nam: Những 'vầng trăng khuyết' trên bảng vàng quốc tế ảnh 2

Nguyễn Thị Mỹ Linh giành Huy chương Vàng Asian Para Games 2018.

“Tôi chỉ có thể nhìn mờ mờ chứ không thể nhìn rõ được như người bình thường nên việc hình dung bàn cờ ban đầu, nhớ nước đi khá khó khăn. Nhưng có sự hướng dẫn của huấn luyện viên, học hỏi thêm, tôi đã tự tư duy được và cải thiện khả năng chơi cờ, tìm ra những nước đi phù hợp nhất. Đến giờ, tôi có thể bao quát được bàn cờ trong tưởng tượng, khi chạm vào bàn cờ là biết được đối phương đi nước cờ nào, hình dung ra chiến thuật để tìm ra những bước đi phù hợp nhất đáp lại”, Mỹ Linh cho hay.

Cú sốc lớn đầu đời đã không thể khuất phục được cô gái sinh năm 1995 mà càng làm cô mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Nhìn vào những thành tích mà Mỹ Linh giành được đến hiện tại, có lẽ ngay cả những người bình thường cũng không ngớt những lời khâm phục.

Đây được xem là thành tích lịch sử khi lần đầu tiên cờ vua Việt Nam có huy chương tại Asian Para Games. Càng đáng quý và tự hào khi biết rằng những tấm huy chương danh giá này được mang về bởi những cô gái khuyết tật.

Suốt mười năm liền, Mỹ Linh luôn là học sinh giỏi. Năm 2012, cô gái trẻ đoạt giải Nhì cuộc thi viết kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Đặc biệt năm 2015, Mỹ Linh đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh, thiếu niên khuyết tật toàn cầu. Cùng năm này, cô được bầu chọn là công dân trẻ tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Cô còn tham gia vào hoạt động gây quỹ mổ mắt miễn phí cho các bạn bị khiếm thị nghèo của một tổ chức và thường xuyên góp mặt trong các hoạt động về cộng đồng.

Chỉ mới gia nhập đội tuyển quốc gia từ năm 2017 nhưng thành tích của cô thật sự đáng nể. Ở Para Games 2017, giải đấu quốc tế đầu tiên của mình, Mỹ Linh gặt hái được 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc.

Đến với Asian Para Games 2018, mọi người rất ngạc nhiên khi cô nàng mang theo một chiếc… vali rách. Khi được hỏi lý do, cô gái hồn nhiên trả lời: “Chiếc vali này đã từng cùng tôi giành Huy chương Vàng cuộc thi công nghệ tại Indonesia. Vì vậy, chuyến thi đấu này tôi mang theo nó để đem lại may mắn cho mình”.

Và một lần nữa Mỹ Linh thành công khi mang về Huy chương Vàng cá nhân lịch sử cho cờ vua Việt Nam ở nội dung cờ nhanh hạng thương tật B2/B3 tại đấu trường châu Á.

Ngoài ra, Mỹ Linh đã nhận được nhiều khen thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành như Huân chương Lao động hạng 3 do Chủ tịch nước cấp; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ cấp; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bằng khen của Ủy ban Olympic Việt Nam… Năm 2022, Mỹ Linh được chọn là một trong những thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.

Theo giaoducthoidai.vn

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618