Chào mừng các bạn đến với Hội Cờ Vua - Sân chơi trí tuệ dành cho mọi người - Cờ Vua giúp khai mở trí tuệ, kích hoạt não giúp trẻ thông minh hơn, ngoan hơn, học giỏi hơn. Liên hệ đăng ký học thử tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế Hotline: 090.264.1618

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025

Đại kiện tướng Lê Tuấn Minh: Bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp

 Như vậy, đại kiện tướng cờ vua quốc tế Lê Tuấn Minh đã có 1 trong những danh hiệu được bản thân kỳ vọng là trở thành Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu.

Lê Tuấn Minh đã vinh dự được phần thưởng Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Ảnh: FIDE
Lê Tuấn Minh đã vinh dự được phần thưởng Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Ảnh: FIDE

Sáng 21-3 tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức chương trình kỷ niệm 94 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuyên dương 91 Đảng viên trẻ, 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Năm nay, lĩnh vực thể thao góp mặt 2 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu trong danh sách là kỳ thủ Lê Tuấn Minh (cờ vua) và cầu thủ Đỗ Duy Mạnh (bóng đá).

Có mặt tại buổi lễ và vinh dự được xướng danh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2024, đại kiện tướng Lê Tuấn Minh khiêm tốn bày tỏ: “Tôi xúc động khi có được danh hiệu này. Đây thật sự là hạnh phúc cho tôi cũng như những người làm cờ vua của Thủ đô Hà Nội”.

Năm ngoái, dấu ấn rõ nét nhất mà Lê Tuấn Minh thể hiện được chính là tấm HCĐ cá nhân tại bàn đấu của mình khi tranh tài cờ vua đồng đội thế giới Olympiad 2024 ở Hungary. Tấm huy chương và kết quả của Lê Tuấn Minh đã được giới chuyên môn chia sẻ nhiều để đánh giá cao nỗ lực chuyên môn của kỳ thủ này. Tính tới bây giờ, Lê Tuấn Minh mới là kỳ thủ thứ 5 trong lịch sử làng cờ vua Việt Nam giành được huy chương tại bàn đấu qua những lần chúng ta dự đấu trường Olympiad (đấu trường danh giá nhất của cờ vua đồng đội thế giới). Trước đó, cờ vua Việt Nam có Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Phạm Lê Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Mai Hưng và cựu tuyển thủ Hoàng Thanh Trang đạt được huy chương khi dự Olympiad.

Năm nay, Lê Tuấn Minh bước vào tuổi 29. Chàng kỳ thủ người Hà Nội từng tự nhận mình là người tới với cờ vua muộn hơn với những kỳ thủ đồng trang lứa. Vậy nhưng, HLV chuyên môn của cờ vua Thủ đô và cờ vua Việt Nam đánh giá Lê Tuấn Minh có sự điềm tĩnh trong thi đấu và đặc biệt ổn định chuyên môn. Cách đây 3 năm (năm 2022), Lê Tuấn Minh mới chính thức đạt chuẩn đại kiện tướng cờ vua thế giới. Dù có thể không quá nổi danh như các đàn anh Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn nhưng Lê Tuấn Minh đã chinh phục không ít danh hiệu quốc tế, trong nước trong sự nghiệp.

Còn nhớ năm 2022 tại SEA Games 31 trên sân nhà, Lê Tuấn Minh đã vượt đàn anh Lê Quang Liêm giành tấm HCV cá nhân cờ chớp nam. Sau tấm HCV đó, Lê Tuấn Minh thi đấu cùng Lê Quang Liêm để giành HCV đồng đội nam cờ chớp tại giải. Tới bây giờ, 2 tấm HCV trên là thành tích tốt nhất mà Lê Tuấn Minh đạt tại đấu trường SEA Games. “Năm nay, cờ vua tiếp tục được tổ chức tại SEA Games 33-2025 và Lê Tuấn Minh cũng sẽ là 1 trong những kỳ thủ được ban huấn luyện tính toán có thể cử góp mặt tranh tài”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn cờ Việt Nam đồng thời là phụ trách bộ môn cờ (Cục TDTT Việt Nam) – ông Nguyễn Minh Thắng đã trao đổi.

tuyen duong 1.jpg
Lê Tuấn Minh đã vinh dự được vinh danh. Ảnh: TTXVN

Với người làm chuyên môn cờ, việc Lê Tuấn Minh trở thành Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2024 có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Đây là 1 trong những lần hiếm hoi, VĐV của môn thể thao trí tuệ cờ vua vinh dự nhận phần thưởng trên. “Em Lê Tuấn Minh là VĐV tốt về chuyên môn. Môn cờ có những kỳ thủ được vinh danh thì hình ảnh riêng của môn thể thao sẽ thêm giá trị và nhiều người theo tập cờ hơn nữa”, HLV Bùi Vinh của đội tuyển cờ vua Việt Nam và cờ vua Hà Nội đã trao đổi.

Ngoài sự nghiệp cờ vua, Lê Tuấn Minh còn có trình độ học vấn cao học giỏi ngoại ngữ và đạt tấm bằng cử nhân Đại học luật Hà Nội. Năm nay, ngoài SEA Games 33-2025, cờ vua Việt Nam sẽ dự World Cup 2025 của cờ vua thế giới do vậy cơ hội để giành được suất góp mặt vẫn đang ở phía trước với Lê Tuấn Minh.

                                                                             Theo Minh Chiến

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2025

Lê Quang Liêm và kỳ tích tại Aeroflot: Cột mốc lịch sử của cờ vua Việt Nam

Việc giành chức vô địch tại một trong những giải đấu danh giá nhất thế giới không chỉ giúp Lê Quang Liêm khẳng định tài năng mà còn mở ra một chương mới cho cờ vua Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Aeroflot Open là một trong những giải đấu uy tín nhất trong làng cờ vua, được tổ chức thường niên tại Moscow, Nga. Giải đấu này quy tụ nhiều kỳ thủ hàng đầu thế giới, là cơ hội để các tài năng trẻ thử sức và khẳng định vị thế. Được tổ chức từ năm 2002 và kéo dài đến 2020, Aeroflot Open trở thành bệ phóng cho không ít đại kiện tướng vươn tới đẳng cấp thế giới. Trong lịch sử giải đấu, có một cái tên đặc biệt đã để lại dấu ấn sâu đậm: Lê Quang Liêm. Hai lần lên ngôi vào năm 2010 và 2011, kỳ thủ số một Việt Nam không chỉ tạo nên cột mốc cho riêng mình mà còn đưa cờ vua nước nhà vươn tầm thế giới.

Năm 2010, khi chỉ mới 19 tuổi, Lê Quang Liêm bước vào giải đấu với tư cách một tài năng trẻ nhưng chưa được đánh giá quá cao. Tuy nhiên, anh nhanh chóng khiến người hâm mộ kinh ngạc khi lần lượt đánh bại các đối thủ sừng sỏ, trong đó có nhà đương kim vô địch Étienne Bacrot (Pháp). Chiến thắng vang dội này đã tiếp thêm sự tự tin để kỳ thủ người TP.HCM tiếp tục tạo nên những màn trình diễn ấn tượng trước Ian Nepomniachtchi và Bu Xiangzhi – hai tên tuổi lớn của làng cờ vua thế giới.

Thumbnail - 2025-01-01T172845.497
Đại kiện tướng Lê Quang Liêm

Sau chín ván đấu đầy căng thẳng, Lê Quang Liêm xuất sắc giành ngôi vô địch với thành tích 7 điểm (5 thắng, 4 hòa), trở thành kỳ thủ châu Á đầu tiên đăng quang tại giải đấu danh giá này. Bên cạnh danh hiệu cao quý, anh còn nhận được phần thưởng 21.000 euro và suất tham dự giải Dortmund cùng năm.

Chỉ một năm sau kỳ tích đầu tiên, Lê Quang Liêm tiếp tục hành trình chinh phục Aeroflot Open 2011. Dù là đương kim vô địch, anh không được xếp vào nhóm hạt giống cao do hệ số Elo khiêm tốn. Tuy nhiên, chính điều này lại trở thành lợi thế khi các đối thủ chưa nghiên cứu kỹ lối chơi của anh. Bằng phong độ ổn định cùng bản lĩnh thi đấu ấn tượng, Quang Liêm giành 6.5 điểm sau 9 ván đấu (5 thắng, 3 hòa, 1 thua), qua đó bảo vệ thành công ngôi vương. Anh trở thành kỳ thủ đầu tiên trong lịch sử vô địch Aeroflot hai lần liên tiếp – một kỷ lục đến nay vẫn chưa bị phá vỡ.

Hai chức vô địch liên tiếp tại Aeroflot đã đưa Lê Quang Liêm lên một tầm cao mới trong làng cờ vua quốc tế. Từ cột mốc này, anh liên tục gặt hái thêm nhiều thành tích đáng tự hào, tiêu biểu như vô địch SPICE Cup 2015, ba lần đăng quang tại giải HDBank Open, huy chương vàng giải cờ vua châu Á 2019, HCV SEA Games 31 ngay trên sân nhà. Mới đây, anh còn được mời tham dự giải St. Louis Rapid & Blitz thuộc hệ thống Grand Chess Tour, nơi anh đã có màn thể hiện xuất sắc trước những kỳ thủ hàng đầu như Wesley So, Alireza Firouzja và Fabiano Caruana.

Nhìn lại hành trình của Lê Quang Liêm, có thể nói những chiến thắng tại Aeroflot 2010 và 2011 chính là bước ngoặt lớn, giúp cờ vua Việt Nam vươn ra thế giới. Từ một kỳ thủ trẻ đầy tiềm năng, anh đã trở thành biểu tượng của cờ vua nước nhà, góp phần nâng tầm vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

                                                                                  Theo Nguyên Vũ

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2025

Nguyễn Ngọc Trường Sơn tiến gần suất Freestyle Chess Grand Slam

Kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn đứng thứ hai vòng sơ loại, để vào vòng loại cuối, cùng Lê Quang Liêm tranh suất Freestyle Chess Grand Slam ở Paris.

Vòng sơ loại diễn ra trực tuyến từ tối 12/3, giờ Hà Nội, với 202 kỳ thủ, trong đó có hàng chục Đại kiện tướng. Việt Nam có 4 kỳ thủ tham dự là Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Tuấn Minh, Phạm Lê Thảo Nguyên và Nguyễn Quốc Hy. Mỗi kỳ thủ đấu 9 ván cờ tiêu chuẩn hệ Thụy Sĩ, tính điểm.

Đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn tại Olympiad cờ vua 2024 ở Budapest, Hungary. Ảnh: FIDE

Đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn tại Olympiad cờ vua 2024 ở Budapest, Hungary. Ảnh: FIDE

Kỳ thủ số hai Việt Nam, Trường Sơn khởi đầu với 5 ván toàn thắng, trong đó có 4 đối thủ là Đại kiện tướng. Sau khi thua và hòa ở hai ván tiếp theo, kỳ thủ 35 tuổi thắng hai ván cuối để kết thúc vòng đấu với 7,5 điểm. Anh thuộc nhóm 5 kỳ thủ điểm cao nhất, và đứng thứ hai theo chỉ số phụ. Có 4 kỳ thủ sẽ vào vòng loại cuối cùng, vì thế Trường Sơn nằm trong nhóm này.

Vòng loại cuối cùng sẽ diễn ra từ hôm nay 13/3, đến hết ngày mai 14/3. Vòng loại cuối có 12 kỳ thủ thuộc CLB Freestyle Chess (Elo từ 2.725 trở lên, trong đó có Quang Liêm) mà chưa có suất dự Grand Slam, và bốn kỳ thủ đã vượt qua vòng sơ loại. Tổng cộng 16 kỳ thủ sẽ đấu loại trực tiếp online, để chọn ra một suất cuối cùng dự Grand Slam ở Paris, Pháp.

Ở lượt đầu của vòng loại cuối diễn ra từ 22h hôm nay, Trường Sơn gặp Shakhriyar Mamedyarov. Còn Quang Liêm tái ngộ Dư Ương Y (Yu Yangyi). Ở vòng loại Freestyle Chess gần nhất, Quang Liêm cũng gặp Dư ngay lượt đầu và thất bại. Đây sẽ là cơ hội cho kỳ thủ số một Việt Nam đòi nợ đối thủ Trung Quốc.

Phân nhánh đấu vòng loại Freestyle Chess Grand Slam ở Paris. Ảnh: Chess

Phân nhánh đấu vòng loại Freestyle Chess Grand Slam ở Paris. Ảnh: Chess

Freestyle Chess Grand Slam ở Paris sẽ diễn ra từ 7/4 đến 14/4, với 12 kỳ thủ. Trong đó, 11 suất đã được xác định gồm Magnus Carlsen, Hikaru Nakamura, Fabiano Caruana, Gukesh Dommaraju, Praggnanandhaa Rameshbabu, Erigaisi Arjun, Alireza Firouzja, Ian Nepomniachtchi, Hans Niemann, Maxime Vachier-Lagrave và đương kim vô địch Vincent Keymer.

Freestyle Chess là hệ thống giải cờ 960 do Carlsen và một doanh nhân người Đức khởi xướng. Mỗi giải thuộc hệ thống này có quỹ thưởng 750.000 USD, cao chỉ sau trận chung kết cờ vua thế giới. Quang Liêm nằm trong CLB Freestyle Chess, vì thế anh vẫn nhận hàng nghìn USD ngay cả khi không vượt qua vòng loại cuối cùng.

                                                                                          Theo Xuân Bình

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2025

Đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn vô địch cờ chớp tại giải quốc gia 2025

 Không ngoài dự đoán của giới chuyên môn, đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã giành HCV nội dung cờ chớp tại giải cờ vua vô địch quốc gia 2025.

Nguyễn Ngọc Trường Sơn có HCV tại giải vô địch quốc gia năm nay. Ảnh: CHESSVN
Nguyễn Ngọc Trường Sơn có HCV tại giải vô địch quốc gia năm nay. Ảnh: CHESSVN

Giải đấu khép lại các ván cuối cùng của nội dung cờ chớp, cờ siêu chớp được tổ chức ở Bắc Giang vào chiều 9-3.

Trong nội dung cờ chớp nam, 4 kỳ thủ đã so kè nhau điểm số để cạnh tranh nhóm đầu gồm Nguyễn Ngọc Trường Sơn (Cần Thơ), Lê Tuấn Minh (Hà Nội), Lê Minh Hoàng, Đặng Anh Minh (TPHCM). Kết thúc 9 ván đấu, đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã chơi hiệu quả nhất để đạt tổng 8 điểm (8 thắng, 1 thua) xếp nhất và giành HCV. Đại kiện tướng Lê Tuấn Minh đạt 7,5 điểm nên xếp hạng nhì, nhận HCB. Tấm HCĐ của nội dung thuộc về Lê Minh Hoàng với 7 điểm.

Ở bảng cờ chớp nữ, Phạm Lê Thảo Nguyên (Cần Thơ) và Nguyễn Hồng Anh (TPHCM) nỗ lực tìm cơ hội giành vị trí số 1. Tuy nhiên, kỳ thủ Đỗ Hoàng Minh Thơ (Bến Tre) đã bất ngờ vươn lên giành HCV khi có 8 điểm qua 9 ván đấu. Kỳ thủ Nguyễn Hồng Anh đạt 7,5 điểm do vậy giữ hạng nhì cùng tấm HCB còn HCĐ thuộc về Phạm Lê Thảo Nguyên.

Nội dung siêu chớp tại giải là nội dung tranh tài cuối cùng và giới chuyên môn đã chứng kiến cuộc thi đấu hấp dẫn giữa các kỳ thủ có trình độ cao. Khép lại ván cuối, ván 9, đại kiện tướng Lê Tuấn Minh (Hà Nội) giành vị trí số 1 và có HCV bảng nam. Đối với cờ siêu chớp nữ, chiến thắng đã gọi tên đại kiện tướng Nguyễn Thị Mai Hưng (Bình Dương).

Nữ kỳ thủ nổi tiếng của cờ vua Việt Nam giành được 8 điểm (8 thắng, 1 thua) và bằng kết quả với kỳ thủ so kè trực tiếp Võ Thị Kim Phụng (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhưng nhận HCV do hơn về chỉ số phụ.

                                                                          Theo Minh Chiến

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2025

Kỳ thủ TPHCM bỏ lỡ cơ hội giành HCV nội dung cờ nhanh

 Các kỳ thủ của cờ vua TPHCM đã tìm cơ hội giành kết quả cao nhất trong nội dung cờ nhanh tại giải vô địch quốc gia 2025 nhưng chưa thành công.

Đại kiện tướng Võ Thị Kim Phụng giành HCV nội dung cờ nhanh nữ tại giải vô địch quốc gia 2025. Ảnh: FIDE
Đại kiện tướng Võ Thị Kim Phụng giành HCV nội dung cờ nhanh nữ tại giải vô địch quốc gia 2025. Ảnh: FIDE

Chiều 8-3 tại Bắc Giang, giải cờ vua vô địch quốc gia 2025 đã tranh tài ván cuối nội dung cờ nhanh đối với bảng nam và bảng nữ.

Tại bảng nam, 104 kỳ thủ góp mặt để thi đấu 9 ván theo hệ Thụy Sỹ. Đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã tranh tài cờ nhanh giải năm nay nhưng sau 9 ván, kỳ thủ của Cần Thơ đạt 7 điểm để đứng hạng 5. Trong nỗ lực của mình, gương mặt trẻ Phạm Trần Gia Phúc (TPHCM) cũng giành được 7 điểm chung cuộc (6 thắng, 2 hòa, 1 thua) và đủ các chỉ số phụ để đứng hạng 3, nhận HCĐ.

Trong khi đó, đại kiện tướng Lê Tuấn Minh (Hà Nội) tiếp tục thể hiện đúng chuyên môn, qua đó đạt tổng 7,5 điểm xếp vị trí số 1 cờ nhanh nam để giành HCV. Trong 9 ván đấu, Lê Tuấn Minh thắng 7 ván, hòa 1, thua 1. Ván thua duy nhất của Lê Tuấn Minh là ván 9 khi để đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn vượt qua. Cùng trong bảng nam, kỳ thủ Ngô Đức Trí (Hà Nội) đạt 7 điểm, giành HCB. Tại bảng nữ cờ nhanh tại giải vô địch quốc gia 2025 cúp aristino, 104 kỳ thủ đã tham gia thi đấu. Đại kiện tướng Hoàng Thị Bảo Trâm là kỳ thủ đạt kết quả tốt nhất trong các VĐV nữ TPHCM dự nội dung. Sau 9 ván, cô có tổng 7 điểm nhưng chỉ xếp hạng 5.

Đại kiện tướng Võ Thị Kim Phụng (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đạt tổng 8 điểm, từ đó dẫn đầu trên bảng tổng sắp để giành HCV. Xếp sau Kim Phụng là Lương Phương Hạnh (Cần Thơ) và Phạm Thị Hiền (Quảng Ninh) khi cùng được 7 điểm. Bất ngờ là việc kiện tướng Phạm Lê Thảo Nguyên (Cần Thơ) chỉ giành 6,5 điểm nên kết thúc tại vị trí thứ 10. Nhà vô địch cờ tiêu chuẩn Bạch Ngọc Thùy Dương (TPHCM) không có kết quả tốt nhất nên đứng hạng 22 với tổng 5,5 điểm.

Sau nội dung cờ nhanh, tất cả kỳ thủ bước vào tranh tài nội dung tiếp theo là cờ chớp đối với nam, nữ.

                                                                                       Theo Minh Chiến

Quang Liêm xếp áp chót Prague Masters

 Kỳ thủ Lê Quang Liêm kết thúc siêu giải cờ tiêu chuẩn Prague Masters mà không thắng ván nào, hòa tám và thua một trận.

Sau khi thua Sam Shankland ở ván 7, Quang Liêm hòa cả hai ván cuối trước Praggnanandhaa Rameshbabu và Vi Dịch (Wei Yi). Ở trận gặp đối thủ Trung Quốc, đại diện Việt Nam đạt tỷ lệ nước đi trùng với máy tính tới 100%. Dù vậy, Vi cũng có tỷ lệ tương tự, đồng nghĩa ván cờ hòa.

Lê Quang Liêm trong ván đấu với Sam Shankland tại vòng 7 Prague Masters, ở khách sạn Don Giovanni, thành phố Prague, CH Czech ngày 3/3/2025. Ảnh: PCF

Lê Quang Liêm trong ván đấu với Sam Shankland tại vòng 7 Prague Masters, ở khách sạn Don Giovanni, thành phố Prague, CH Czech ngày 3/3/2025. Ảnh: PCF

Quang Liêm là hạt giống số ba, nhưng kết thúc giải ở vị trí thứ chín, với bốn điểm sau chín ván. Anh chỉ xếp trên kỳ thủ chủ nhà gốc Việt, Nguyễn Thái Đại Văn. Phong độ của kỳ thủ số một Việt Nam tại giải này không tốt, với hiệu suất thi đấu chỉ 2.660, thấp hơn nhiều so với Elo 2.739. Anh cũng bị trừ 10 Elo, rơi khỏi Top 20 thế giới, xuống vị trí 22, ngay sau Đinh Lập Nhân (Ding Liren).

Prague Masters 2025 diễn ra từ 26/2 đến 7/3, với 10 kỳ thủ đấu vòng tròn một lượt cờ tiêu chuẩn, tính điểm, tại khách sạn Don Giovanni, thành phố Prague, CH Czech. Sau chín vòng, kỳ thủ Ấn Độ Aravindh Chithambaram vô địch với sáu điểm, từ ba ván thắng, sáu hòa và không thua.

Đây là giải cờ tiêu chuẩn đầu tiên của Quang Liêm kể từ Olympiad cờ vua tháng 9/2024. Những năm gần đây, kỳ thủ 34 tuổi hiếm khi đánh những giải mời kín như Prague Masters, ngoại trừ Biel Grandmaster - nơi anh đã vô địch ba lần liên tiếp. Giải Biel năm nay diễn ra tháng 7/2025, dự kiến sẽ mời Quang Liêm trở lại thi đấu.

Song song Prague Masters, Việt Nam cũng có ba kỳ thủ trẻ dự giải U20 thế giới tại Montenegro. Kỳ thủ 14 tuổi, Đầu Khương Duy không giành huy chương vì thua ván cuối trước Melina Galaviz (2.501). Cậu bị yếu cờ sau khai cuộc, trong thế trận thiên về không gian và vị trí quân. Thất bại khiến Khương Duy rơi từ vị trí thứ tư xuống 11, nhưng vẫn kiếm thêm 12 Elo từ giải.

Ở bảng nữ, kỳ thủ 20 tuổi Nguyễn Thiên Ngân giành 6 điểm, đứng thứ 36 và kiếm thêm 69 Elo. Kỳ thủ 17 tuổi Nguyễn Bình Vy đạt 5,5 điểm, xếp thứ 50 và kiếm được 135 Elo.

                                                                                             Theo Xuân Bình

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

Kỳ thủ 14 tuổi Khương Duy tiến sát huy chương giải U20 thế giới

Kiện tướng Quốc tế 14 tuổi Đầu Khương Duy khả năng cao giành huy chương tại giải cờ vua U20 thế giới, nếu thắng ván cuối hôm nay 7/3.

Khương Duy (Elo 2.411) cầm quân trắng, thắng Andrey Tsvetkov (2.422) ở vòng 10 hôm 6/3, để leo lên đứng thứ tư trước ván cuối. Trong ván thắng kỳ thủ Nga, đại diện Việt Nam tiếp tục thí chất ở đầu trung cuộc, bằng cách đổi xe lấy tượng. Cũng tại giải này, cậu đã 2 lần thí xe để thắng.

Hình cờ sau nước 19.Rxd1. Trắng thiệt chất, nhưng có quân mã mạnh ở d5, được tốt bảo vệ. Quân mã này cũng cản cột mở duy nhất. Đen lại có hai tốt yếu ở c5 và e5, vì thế máy tính đánh giá cờ cân bằng.

Hình cờ sau nước 19.Rxd1. Trắng thiệt chất, nhưng có quân mã mạnh ở d5, được tốt bảo vệ. Quân mã này cũng cản cột mở duy nhất. Đen lại có hai tốt yếu ở c5 và e5, vì thế máy tính đánh giá cờ cân bằng.

Nhờ sự cơ động của hậu và mã, Khương Duy phối hợp, lần lượt bắt được các tốt đen. Sau 28 nước cờ, cậu đạt ưu thế thắng do hơn 2 tốt, dù vẫn thiệt chất. Kỳ thủ 14 tuổi tạo ra cấu trúc tốt mạnh bên cánh hậu, đẩy lên tấn công khiến đối thủ 20 tuổi không thể ngăn chặn. Dù đã đổi lại chất, Tsvetkov vẫn không cứu vãn được tình thế và xin thua sau 51 nước đi.

Sau 10 vòng, Khương Duy vẫn bất bại, thắng 5 và hòa 5 ván, kiếm thêm 15,6 Elo. Hiệu suất thi đấu (rating performance) của cậu tương ứng với kỳ thủ có Elo 2.523. Dù vậy, Kiện tướng Quốc tế 14 tuổi không còn cơ hội giành chuẩn Đại kiện tướng tại giải này.

Trước vòng cuối, Khương Duy đứng thứ tư với 7,5 điểm. Có 5 kỳ thủ đang cùng có 7,5 điểm, trong đó đại diện Việt Nam đứng thứ hai ở nhóm này. Hạt giống số hai Pranav Venkatesh (2.615) dẫn đầu với 8,5 điểm, còn Adar Tarhan (2.460) đang đứng thứ hai với 8 điểm. Hai kỳ thủ này sẽ gặp nhau ở ván cuối, tranh chức vô địch.

Đầu Khương Duy tại giải cờ nhanh, chớp trẻ thế giới tại Slovenia tháng 12/2024. Ảnh: NVCC

Đầu Khương Duy tại giải cờ nhanh, chớp trẻ thế giới tại Slovenia tháng 12/2024. Ảnh: NVCC

Điều lệ giải quy định nhà vô địch được phong Đại kiện tướng (GM). Các kỳ thủ đồng điểm giải nhất, tối đa 3 người, sẽ giành chuẩn GM. Do Pranav gặp Tarhan ở ván cuối, Khương Duy không còn cơ hội giành giải nhất. Tuy nhiên, cậu vẫn có thể đoạt huy chương nếu thắng, thậm chí hòa ván cuối.

Ván cuối diễn ra từ 19h15 hôm nay 7/3, giờ Hà Nội. Khương Duy sẽ cầm quân đen gặp Melina Galaviz (2.501).

Giải U20 thế giới diễn ra theo thể thức 11 ván hệ Thụy Sĩ, cờ tiêu chuẩn, mỗi ngày 1 ván từ 25/2 đến 7/3. Theo Elo ban đầu, Khương Duy là hạt giống số 44 trong 157 kỳ thủ. Trong Top 10 kỳ thủ dẫn đầu trước ván cuối, Khương Duy trẻ nhất khi cậu sinh năm 2011, còn 9 kỳ thủ còn lại đều sinh từ năm 2009 trở về trước.

                                                                                           Theo Xuân Bình

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2025

Kỳ thủ TPHCM giành cú đúp HCV nội dung tiêu chuẩn giải vô địch quốc gia 2025

 Nội dung tiêu chuẩn của giải cờ vua vô địch quốc gia 2025 đã khép lại ván cuối và đội TPHCM đã giành cú đúp HCV đầy thú vị.

Bạch Ngọc Thùy Dương đã bảo vệ thành công HCV cờ tiêu chuẩn nữ của mình tại giải vô địch quốc gia 2025. Ảnh: MINH MINH
Bạch Ngọc Thùy Dương đã bảo vệ thành công HCV cờ tiêu chuẩn nữ của mình tại giải vô địch quốc gia 2025. Ảnh: MINH MINH

Ngày 6-3, nội dung tiêu chuẩn của giải cờ vua vô địch quốc gia 2025 tranh tài ván quyết định (ván 9) trong bảng nam và bảng nữ.

Ở bảng nam, trước khi ván cuối diễn ra, kỳ thủ trẻ Bành Gia Huy (Hà Nội) là người dẫn đầu qua 8 ván đã tranh tài. Bám đuổi ngay phía sau là Đặng Hoàng Sơn (TPHCM) và Nguyễn Đức Hòa (Quân đội). Những tưởng Bành Gia Huy sẽ thi đấu thành công để giữ vững vị trí số 1 cờ tiêu chuẩn thì tại ván 9, bất ngờ xảy ra. Bành Gia Huy đã thua kỳ thủ Phạm Trần Gia Phúc (TPHCM) trong ván 9 nên chung cuộc đạt 6,5 điểm và bị tụt xuống hạng 3 nhận HCĐ. Tại ván 9, Đặng Hoàng Sơn có kết quả hòa trước kỳ thủ cạnh tranh trực tiếp là Nguyễn Đức Hòa. Giành thêm 0,5 điểm trong ván cuối, Đặng Hoàng Sơn đạt tổng 7 điểm sau 9 ván để vươn lên vị trí số 1 giành HCV giải cờ vua vô địch quốc gia 2025. Kỳ thủ Nguyễn Đức Hòa có 6,5 điểm xếp hạng nhì nhận HCB.

Tại bảng nữ của cờ tiêu chuẩn tại giải cờ vua vô địch quốc gia 2025 cúp aristino, 2 kỳ thủ Nguyễn Thị Mai Hưng (Bình Dương) và Lương Phương Hạnh (Cần Thơ) tạo áp lực lớn tới Bạch Ngọc Thùy Dương (TPHCM) để cạnh tranh vị trí số 1. Tuy nhiên, kỳ thủ trẻ của TPHCM thi đấu bình tĩnh trong ván cuối và thắng Nguyễn Ngọc Hiền (Ninh Bình). Bạch Ngọc Thùy Dương có tổng 8,5 điểm, giành HCV. Bạch Ngọc Thùy Dương đã bảo vệ thành công ngôi vô địch nội dung tiêu chuẩn nữ mà cô đã có ở năm 2024. Đứng sau kỳ thủ của TPHCM lần lượt là Nguyễn Thị Mai Hưng (7 điểm) và Lương Phương Hạnh (6,5 điểm).

Trong nội dung cờ Asean, đại kiện tướng Đào Thiên Hải đã giành HCV bảng nam khi đạt tổng 7,5 điểm sau 9 ván đấu. Vô địch bảng nữ là Trần Thị Mộng Thu (Bến Tre, 6,5 điểm).

Sau nội dung cờ tiêu chuẩn, các kỳ thủ sẽ bước vào thi đấu cờ nhanh. Tại nội dung cờ nhanh, bảng nam thu hút nhiều kỳ thủ nổi tiếng sẽ tranh tài như Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Tuấn Minh, Trần Tuấn Minh... Nội dung cờ nhanh nữ có các gương mặt được chú ý như Phạm Lê Thảo Nguyên, Hoàng Thị Bảo Trâm, Võ Thị Kim Phụng, Nguyễn Thị Mai Hưng... 2 nhà vô địch cờ tiêu chuẩn là Bạch Ngọc Thùy Dương, Đặng Hoàng Sơn có đăng ký thi đấu cờ nhanh.

                                                                                           Theo Minh Chiến

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2025

Quang Liêm thoát hiểm ở Prague Masters

Kỳ thủ số một Việt Nam, Lê Quang Liêm hòa trên thế thua Đại kiện tướng Ediz Gurel ở vòng ba siêu giải cờ tiêu chuẩn Prague Masters 2025.

Quang Liêm cầm quân trắng, bất ngờ chọn khai cuộc 1.e4 lạ lẫm khi gặp Gurel. Lần gần nhất anh đi khai cuộc này là ván đấu với Đại kiện tướng Grigoriy Oparin tại siêu giải cờ nhanh trực tuyến Airthings Masters thuộc Champions Chess Tour ngày 6/2/2023.

Kể từ đó, Quang Liêm trải qua 53 ván liên tiếp cầm quân trắng, đi khai cuộc 1.d4, 1.c4 hoặc 1.Nf3. Còn nếu chỉ tính cờ tiêu chuẩn, lần gần nhất anh đi 1.e4 là ván đấu với Đại kiện tướng Jaime Santos Latasa tại Gibraltar Masters tháng 1/2020.

Quang Liêm trong ván đấu với David Navara tại vòng 2 Prague Masters, ở khách sạn Don Giovanni, thành phố Prague, CH Czech ngày 26/2/2025. Ảnh: PCF

Quang Liêm trong ván đấu với David Navara tại vòng 2 Prague Masters, ở khách sạn Don Giovanni, thành phố Prague, CH Czech ngày 26/2/2025. Ảnh: PCF

Nước cờ đầu tiên e4 tạo ra thế trận mở, hoặc nửa mở, có thể giúp ván đấu nghiêng hơn về tính toán và xô xát. Trong khi các nước đi còn lại như 1.d4, 1.c4 hay 1.Nf3 gọi là khai cuộc kín, thiên về thế trận bền, chú trọng vị trí quân. Quang Liêm từng tự nhận anh thích khai cuộc kín hơn, vì thế lựa chọn trước Gurel có thể coi là bất ngờ với kỳ thủ số một Việt Nam.

Sự thay đổi của Quang Liêm không có tác dụng, bởi đại diện Thổ Nhĩ Kỳ có thế trận nhỉnh hơn sau khai cuộc. Gurel còn có cơ hội đạt lợi chất (đổi tượng lấy xe), chiếm ưu thế lớn. Nhưng sau đó, Quang Liêm bắt lại chất, đưa cờ về thế cân bằng. Sau 37 nước cờ, hai kỳ thủ đồng ý hòa ở tàn cuộc tượng mã và tốt. Tỷ lệ chính xác của hai kỳ thủ trong ván này là 91%, theo siêu máy Stockfish.

Sau 3 ván, Quang Liêm toàn hòa, kiếm 1,5 điểm, đứng thứ năm. Kỳ thủ Ấn Độ Aravindh Chithambaram bất ngờ dẫn đầu với 2,5 điểm, sau đó là Praggnanandhaa Rameshbabu và Vincent Keymer với 2 điểm. Quang Liêm bằng điểm David Navara, nhưng đứng sau vì có chỉ số phụ thấp hơn.

Ở vòng 4, diễn ra từ 21h15 hôm nay 1/3, giờ Hà Nội, Quang Liêm sẽ cầm quân đen gặp kỳ thủ Czech gốc Việt, Nguyễn Thái Đại Văn.

Bảng điểm sau vòng 3

TTKỳ thủLiên đoànEloĐiểm
1AravindhẤn Độ2.7292,5
2PraggnanandhaaẤn Độ2.7412
3KeymerĐức2.7312
4NavaraCzech2.6771,5
5Quang LiêmViệt Nam2.7391,5
6GiriHà Lan2.7281,5
7ShanklandMỹ2.6701,5
8Đại VănCzech2.6681
9GurelThổ Nhĩ Kỳ2.6241
10Vi DịchTrung Quốc2.7550,5

Theo Xuân Bình

Spassky - 'quý ông' từng xin đi tù để đánh cờ với Bobby Fischer

Cựu Vua cờ người Nga vừa qua đời, Boris Spassky từng viết thư cho Tổng thống Mỹ, xin bị bắt giam chỉ để đánh cờ với kình địch Bobby Fischer.

"Bobby và tôi đã phạm cùng một tội. Hãy trừng phạt tôi, bắt giữ và nhốt tôi vào phòng giam cùng với Bobby Fischer. Và, hãy cho chúng tôi một bộ cờ vua".

Đó là một phần bức thư của Spassky gửi cho Tổng thống Mỹ George W Bush tháng 8/2004. Lá thư đó dù không được đáp ứng, nhưng thể hiện được "phẩm chất quý ông" của Vua cờ thứ 10 trong lịch sử. "Spassky là kỳ thủ vĩ đại trong lịch sử Liên Xô, và là một quý ông đích thực:, chủ tịch Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) Arkady Dvorkovich nhận xét hôm 27/2 - ngày Spassky qua đời ở tuổi 88.

Boris Spassky rời hội trường cờ vua Reykjavik ở Iceland, sau khi Bobby Fischer từ chối xuất hiện ở ván 2, trận chung kết cờ vua thế giới 1972. Ảnh: AP

Boris Spassky rời hội trường cờ vua Reykjavik ở Iceland, sau khi Bobby Fischer từ chối xuất hiện ở ván 2, trận chung kết cờ vua thế giới 1972. Ảnh: AP

Theo FIDE, ngày mất của Spassky đã khép lại chương cuối cùng của một cuộc đời có những đỉnh cao phi thường và sự kiên cường thầm lặng. Sự kiện nổi tiếng nhất của ông lại là một thất bại, trước Fischer trong trận chung kết cờ vua thế giới 1972 tại Reykjavik, Iceland. Đây là "Trận đấu thế kỷ", mang tính biểu tượng giữa hai cường quốc Liên Xô - Mỹ, giữa cao điểm của Chiến tranh Lạnh.

Spassky khi đó 35 tuổi, có tính tình điềm đạm, giữ ngôi Vua cờ trước khi vào trận đấu. Fischer 29 tuổi, lại là một thiên tài lập dị, với trình độ vượt trội so với những kỳ thủ thời bấy giờ.

Giới chuyên môn đã dự đoán chiến thắng cho đại diện nước Mỹ, khiến Spassky chịu nhiều áp lực về chính trị. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định chơi trận đấu. "Bố tôi chỉ coi bản thân là một kỳ thủ cờ vua, không phải quân cờ trong chính trị", con trai Spassky, Boris Jr nói năm 2023.

Trong trận chung kết kéo dài gần hai tháng, Fischer có những thời điểm suýt bỏ cuộc vì cảm thấy khó chịu với những yếu tố bên ngoài như máy quay hay khán giả. Còn Spassky thường chỉ giữ im lặng. Spassky dẫn trước 2-0 sau hai ván đầu tiên, nhưng chiến thắng ở ván 6 giúp Fischer dẫn ngược 3,5-2,5. Màn trình diễn của kỳ thủ Mỹ ở ván 6 ấn tượng, khiến nhiều khán giả đứng dậy vỗ tay.

Bất ngờ hơn là Spassky cũng vỗ tay tán thưởng, khiến Fischer bị bất ngờ. Kỳ thủ Mỹ coi đó là hành động của một "vận động viên chân chính".

Thất bại 8,5-12,5 trước Fischer trong trận đấu đó khiến Spassky phải chịu nhiều đắng cay trong những năm tiếp theo. Ông vô địch Liên Xô năm 1973, nhưng phải chịu lệnh cấm đi lại. Sau khi kết hôn với một nhân viên Đại sứ quán Pháp, ông mới có thể tới Paris và sau đó xin quốc tịch Pháp.

Fischer cũng im tiếng trong nhiều năm, cho tới năm 1992, khi ông xuất hiện trở lại. Ngay lập tức, một ngân hàng Serbia đã đề nghị tổ chức trận tái đấu giữa Fischer và Spassky, với tổng tiền thưởng lên tới 5 triệu USD. Đến nay đó vẫn là tiền thưởng cao nhất cho một trận đấu cờ vua.

Boris Spassky (trái) và Bobby Fischer (phải) trong trận đấu trị giá 5 triệu USD ở Liên bang Nam Tư tháng 9/1992. Ảnh: Reuters

Boris Spassky (trái) và Bobby Fischer (phải) trong trận đấu trị giá 5 triệu USD ở Liên bang Nam Tư tháng 9/1992. Ảnh: Reuters

Có điều, trận đấu diễn ra ở Nam Tư, nơi lúc đó đang chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Spassky khi đó đứng ngoài Top 100 thế giới, đồng ý góp mặt. Fischer khi đó cũng không phải kỳ thủ số một thế giới, mà vị trí ấy thuộc về Garry Kasparov. Chung cuộc, Spassky một lần nữa thất bại với tỷ số 5-10, không tính 15 ván hòa. Suốt những tháng ngày diễn ra trận đấu, hai kỳ thủ thường xuyên cười đùa như những người bạn.

Vì đã chơi một trận đấu ở nơi bị Liên Hợp Quốc trừng phạt, Fischer bị Mỹ hủy giá trị sử dụng hộ chiếu. Năm 2004, ông dùng hộ chiếu đã mất giá trị đến Nhật Bản, nên bị bắt giữ. Vì thế, Spassky viết bức thư táo bạo gửi cho Tổng thống Bush.

"Tôi không muốn bảo vệ hay biện minh cho Fischer", thư của Spassky có thêm đoạn. "Tôi chỉ mong muốn một điều, là được vào tù đánh cờ với cậu ấy".

Để thua Fischer trong cả hai trận đấu lớn, Spassky vẫn nói rằng ông không đem lòng hận thù gì đàn em. "Tôi đã dõi theo Fischer từ khi cậu ấy lần đầu đến Moscow ở tuổi 15, cùng chị gái", Chess24 dẫn lời Spassky năm 2015. "Fischer luôn cư xử như một đứa trẻ, trong sáng và thân thiện".

Những năm cuối đời của Spassky khổ sở, vì một cơn đột quỵ năm 2010 khiến ông phải ngồi xe lăn. Hai năm sau, ông vướng vào một vụ bắt cóc, nên sau đó lại trở về Moscow. Spassky từng là Vua cờ nhiều tuổi nhất còn sống, cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng hôm 27/2.

Spassky giữ ngôi Vua cờ trong 3 năm, thời 1969-1972, nhưng ông lại coi những năm tháng đẹp nhất cuộc đời là thất bại trong "Trận đấu thế kỷ". "Tôi vui vì mất ngôi Vua cờ", ông từng nói. "Những năm tháng làm Vua cờ lại tồi tệ nhất cuộc đời tôi".

Không như những kỳ thủ Nga dấn thân vào chính trị như Kasparov, Anatoly Karpov hay mới đây là Sergey Karjakin, Spassky dành trọn sự nghiệp làm một kỳ thủ thầm lặng.

Fischer qua đời trong đơn độc ở Reykjavik năm 2008, ở tuổi 64. Vì cá tính dị biệt, Fischer không có nhiều bạn, đặc biệt kể từ khi ông mất tích khỏi làng cờ những năm 1980. Nhưng Spassky từ một kình địch, trở thành người bạn tốt của Fischer.

Spassky đã không được đáp ứng nguyện vọng đi tù để đánh cờ với Fischer năm 2004. Giờ thì hai ông đã có thể hội ngộ và chơi cờ với nhau ở một thế giới nào đó, nếu có thể.

                                                                                   Theo Xuân Bình tổng hợp 

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618