Chào mừng các bạn đến với Hội Cờ Vua - Sân chơi trí tuệ dành cho mọi người - Cờ Vua giúp khai mở trí tuệ, kích hoạt não giúp trẻ thông minh hơn, ngoan hơn, học giỏi hơn. Liên hệ đăng ký học thử tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế Hotline: 090.264.1618

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2025

Firouzja thắng áp đảo Bullet Chess Championship 2025

Kỳ thủ 22 tuổi Alireza Firouzja bảo vệ chức vô địch giải cờ siêu chớp thế giới, khi thắng các đối thủ với cách biệt 10 điểm trở lên.

Firouzja lần lượt thắng Jeffery Xiong 13,5-3,5, Yagiz Kaan Erdogmus 15,5-5,5, Nihal Sarin 17,5-6,5 và Daniel Naroditsky 22,5-10,5. Trong trận chung kết tổng sáng sớm 29/6, giờ Hà Nội, kỳ thủ Pháp gốc Iran hạ Oleksandr Bortnyk 19,5-5,5, cách biệt lên tới 14 điểm.

Bullet Chess Championship do nền tảng Chess tổ chức thường niên, lần đầu năm 2019. Sau 7 kỳ, Hikaru Nakamura vô địch bốn lần, Firouzja ba lần. Kỳ thủ số một thế giới Magnus Carlsen một lần dự giải, năm 2023, nhưng thua Nakamura trong trận tranh chức vô địch.

Alireza Firouzja tại Candidates Tournament 2022 ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Chess

Alireza Firouzja tại Candidates Tournament 2022 ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Chess

Siêu chớp là thể loại chưa được Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) công nhận. Thể loại này có tổng thời gian ban đầu của hai kỳ thủ từ bốn phút trở xuống. Bullet Chess Championship diễn ra hai phút mỗi ván, tức mỗi bên chỉ có một phút, không tính thời gian cộng thêm. Vì thế, nhiều ván đấu kết thúc khi một bên bị hết giờ. Bên cạnh trình độ đánh cờ, giải đấu này đòi hỏi kỳ thủ có kỹ năng di chuột nhanh. Carlsen không được đánh giá cao ở kỹ năng này.

Firouzja thừa nhận giải năm nay anh dễ vô địch hơn vì không có Nakamura. Trong trận chung kết tổng năm ngoái, kỳ thủ sinh năm 2003 thắng đối thủ Mỹ gốc Nhật Bản 12,5-10,5.

Giải năm nay diễn ra từ 25/6 đến 29/6, với 16 kỳ thủ đấu loại kép, tức là thua hai trận mới bị loại. Việt Nam có một đại diện góp mặt sau khi vượt qua vòng loại, là Đại kiện tướng Lê Tuấn Minh. Nhưng anh thua Arjun Erigaisi 11,5-12,5 và Denis Lazavik 5,5-12,5.

Quỹ thưởng của giải là 100.000 USD. Firouzja nhận được 10.000 USD cho chức vô địch. Bortnyk lĩnh 8.000 USD. Tuấn Minh nằm trong nhóm cuối, nhận 1.275 USD.

Firouzja là cựu số hai thế giới, đang giữ kỷ lục kỳ thủ trẻ nhất chạm mốc Elo 2.800, ở tuổi 18 và 166 ngày. Năm 2021, Carlsen nói nếu một kỳ thủ nào khác ngoài Firouzja trở thành người thách đấu, anh sẽ bỏ ngôi Vua cờ. Bởi anh thích những kỳ thủ thi đấu dựa nhiều vào trực giác, hơn là tính toán. Đến nay, Firouzja vẫn chưa từng trở thành người thách đấu, còn Carlsen đã bỏ ngôi năm 2022.

Kể từ tháng 5/2023, Firouzja bắt đầu học thiết kế thời trang ở Paris. Vì thế, anh không còn dành nhiều thời gian cho cờ vua như trước. Elo cờ tiêu chuẩn của anh đã giảm xuống 2.766, đứng thứ tám thế giới. Nhưng anh vẫn đứng thứ hai cờ nhanh và thứ ba cờ chớp. Firouzja cho biết anh đang quyết tâm giành suất dự Candidates 2026, với mục tiêu trở thành người thách đấu và Vua cờ.

                                                                                         Theo Xuân Bình

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2025

Anish Giri: 'Cờ tiêu chuẩn đang hấp dẫn nhất mọi thời'

Kỳ thủ số 12 thế giới người Hà Lan, Anish Giri cho rằng các ván cờ tiêu chuẩn đỉnh cao đang giàu tính chiến đấu hơn lúc nào hết.

Cờ tiêu chuẩn là thể loại hai bên có tổng cộng 120 phút trở lên để hoàn thành ván đấu. Đây là thể loại cờ chậm nhất, nhưng cũng giàu truyền thống nhất cờ vua. Các trận chung kết cờ vua thế giới, với lịch sử 139 năm đều diễn ra theo hình thức tiêu chuẩn.

"Quan điểm của tôi có thể không giống như số đông, nhưng các ván cờ tiêu chuẩn đang thú vị và phong phú hơn suốt thời tôi là kỳ thủ hàng đầu", Giri nói với Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE). "Cờ tiêu chuẩn hiện cũng giàu tính chiến đấu hơn, làm tốt hơn xưa".

Anish Giri sau chức vô địch siêu giải Tata Steel Masters tại Hà Lan tháng 1/2023. Ảnh: Chessbase

Anish Giri sau chức vô địch siêu giải Tata Steel Masters tại Hà Lan tháng 1/2023. Ảnh: Chessbase

Giri 31 tuổi, đang là kỳ thủ số 12 thế giới, theo Elo cờ tiêu chuẩn (2.748) tháng 6/2025. Anh đứng trong Top 10 ở phần lớn giai đoạn 2014-2023, nhưng dần mất vị trí vào tay các tài năng trẻ tuổi đôi mươi như Gukesh Dommaraju, Arjun Erigaisi, Nodirbek Abdusattorov, Rameshbabu Praggnanandhaa hay Alireza Firouzja.

Ngoài cờ tiêu chuẩn, FIDE còn công nhận cờ nhanh (tổng thời gian từ trên 10 phút đến 60 phút), cờ chớp (từ 10 phút trở xuống). Hai thể loại này ngày càng phát triển tại các giải đấu trực tuyến, với quỹ thưởng không thua kém nhiều so với cờ tiêu chuẩn. Người xem các giải cờ nhanh, chớp thường đông hơn cờ tiêu chuẩn.

Quan điểm của Giri có thể không hợp với số đông, vì nhiều người cho rằng cờ tiêu chuẩn ngày càng nhàm chán, trong đó có kỳ thủ số một thế giới Magnus Carlsen. Kỳ thủ Na Uy cho biết anh không còn hứng thú với cờ tiêu chuẩn, và cũng bỏ ngôi Vua cờ. Ở đẳng cấp cao, các kỳ thủ thường phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi ván đấu, bằng cách học những biến thể khai cuộc cùng máy tính. Nhờ đó, các kỳ thủ có thể ghi nhớ khoảng 10 đến 20 nước cờ đầu tiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia như cựu Nữ hoàng cờ vua Susan Polgar cho rằng giải cờ hay nhất từ đầu năm nay 2025 là siêu giải Na Uy, với thể thức cờ tiêu chuẩn, cùng các ván tie-break cờ nhanh. Tại Na Uy, Carlsen đăng quang, nhưng chịu thất bại đầu tiên trước tân vô địch thế giới Gukesh ở cờ tiêu chuẩn. Sau ván đấu, hành động đập bàn của Carlsen được nhiều thông tấn thế giới đưa tin.

                                                                           Theo Xuân Bình tổng hợp

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2025

Thần đồng cờ vua ấn đồng hồ nhưng quên đi quân ở giải thế giới

Kỳ thủ Argentina 11 tuổi Faustino Oro cạn giờ nên không kịp đi quân đã ấn đồng hồ trong ván thua Nihal Sarin tại giải đồng đội cờ chớp thế giới 2025.

Ở vòng áp chót, bảng A, Oro đại diện đội Turkish Airlines Sports gặp Sarin của Ashdod Elit Chess tại bàn một. Kỳ thủ 11 tuổi cầm quân đen, lại phải đụng đối thủ đang ở trong Top 30 cờ nhanh thế giới như Sarin. Kỳ thủ 20 tuổi người Ấn Độ chiếm ưu thế thắng ở giai đoạn cuối trung cuộc.

Sau nước cờ 38, Sarin dùng xe đuổi hậu đen. Khi đó, Oro chỉ còn 4 giây. Cậu bé tỏ ra lúng túng, chạm vào quân hậu nhưng không di chuyển nó, mà đã ấn đồng hồ. Sau đó, Oro hét lên một tiếng, còn Sarin giơ tay ra tỏ vẻ khó hiểu. Sau đó, kỳ thủ Argentina dừng đồng hồ, gọi trọng tài đến. Trọng tài trả lại thời gian đã mất của Sarin, rồi cho trận đấu tiếp tục.

Oro đổi hậu lấy xe, nhưng trước khi ấn đồng hồ, thời gian đã hết, đồng nghĩa cậu thất bại. Nếu tiếp tục đánh, Sarin nhiều khả năng cũng sẽ thắng.

Kỳ thủ ấn đồng hồ nhưng quên đi quân ở giải thế giới
 
 

Tình huống xử lý hiếm thấy của Faustino Oro.

Oro sinh ngày 14/10/2013, từng giữ kỷ lục Kiện tướng Quốc tế trẻ nhất lịch sử, khi mới 10 tuổi, 8 tháng và 16 ngày. Kỷ lục này sau đó bị Roman Shogdzhiev phá vỡ tháng 5/2025, khi kỳ thủ Nga 10 tuổi, 3 tháng và 21 ngày. Theo Elo, Oro đang là kỳ thủ U13 mạnh nhất thế giới, dù mới 11 tuổi.

Oro từng thắng Magnus Carlsen trong một ván đấu tại giải siêu chớp Bullet Brawl tháng 3/2024. Tại giải đồng đội cờ chớp thế giới tại London vừa qua, cậu tuyên bố sẽ trở thành Vua cờ năm 2032, khi cậu khoảng 19 tuổi.

Giải đồng đội cờ chớp thế giới diễn ra tại London, Vương quốc Anh ngày 14/6 và 15/6. Việt Nam có hai đại diện góp mặt là Lê Quang Liêm (đội Freedom) và Lê Tuấn Minh (Theme International Trading). Đội Quang Liêm dừng bước ở tứ kết, còn đội Tuấn Minh bị loại từ vòng 1/8.

                                                                            Theo Xuân Bình

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2025

Kỳ thủ Việt Nam tự đập vào đầu khi thua ở giải thế giới

Kỳ thủ số ba Việt Nam, Lê Tuấn Minh gục đầu xuống bàn, rồi đập tay vào đầu khi thua trên thế thắng Pranav Venkatesh tại giải đồng đội cờ nhanh thế giới 2025.

Tuấn Minh cầm quân trắng, gặp Pranav ở vòng áp chót hôm 13/6, trong trận Theme International Trading gặp đội khi đó dẫn đầu MGD1. Đại diện Việt Nam chiếm ưu thế thắng ở tàn cuộc tượng đấu mã, khi đưa được tốt xuống c7, gần hàng phong cấp.

Nhưng ở nước thứ 107, kỳ thủ 29 tuổi mắc sai lầm khi dùng tốt bắt mã đen e7, thay vì bắt tốt d2. Pranav tỏ ra khôn ngoan vì không bắt tượng trắng e1 khi phong hậu, mà tiến thẳng xuống phong hậu ở ô d1. Bằng cách này, hậu đen vừa chiếu vua trắng, vừa có thể về d7 và ngăn cả hai tốt trắng phong cấp.

Thế cờ sau nước 106...d2. Nước cờ duy nhất giúp Trắng duy trì ưu thế thắng là dùng tượng bắt tốt d2. Tuy nhiên, Tuấn Minh lại chọn phương án dùng tốt bắt mã e7. Có lẽ anh tưởng rằng Pranav sẽ dùng tốt bắt tượng e1 ở nước kế tiếp. Khi đó, Trắng sẽ phong hậu sau ở e8, nhưng sẽ chiếu và bắt lại hậu đen.

Thế cờ sau nước 106...d2. Nước cờ duy nhất giúp Trắng duy trì ưu thế thắng là dùng tượng bắt tốt d2. Tuy nhiên, Tuấn Minh lại chọn phương án dùng tốt bắt mã e7. Có lẽ anh tưởng rằng Pranav sẽ dùng tốt bắt tượng e1 ở nước kế tiếp. Khi đó, Trắng sẽ phong hậu sau ở e8, nhưng sẽ chiếu và bắt lại hậu đen.

Tuy nhiên, Pranav không bắt tượng, mà đưa thẳng tốt xuống d1 phong hậu, để chiếu rồi đưa hậu về d7 ở nước kế tiếp. Khi đó, hậu đen ngăn cả hai tốt trắng phong cấp. Ô phong cấp của hai tốt đều là ô trắng, trái màu ô tượng trắng. Vì thế, Đen lật ngược thế cờ, đạt ưu thế thắng.

Tuy nhiên, Pranav không bắt tượng, mà đưa thẳng tốt xuống d1 phong hậu, để chiếu rồi đưa hậu về d7 ở nước kế tiếp. Khi đó, hậu đen ngăn cả hai tốt trắng phong cấp. Ô phong cấp của hai tốt đều là ô trắng, trái màu ô tượng trắng. Vì thế, Đen lật ngược thế cờ, đạt ưu thế thắng.

Sau khi Pranav lấy hậu và đặt xuống ô d1 chứ không phải e1, Tuấn Minh bật người ra sau ghế rồi trườn xuống. Anh giữ tư thế đó một hồi lâu. Kỳ thủ 18 tuổi người Ấn Độ thì thở phào nhẹ nhõm, sau đó cười tươi và quay ra nhìn các đồng đội.

Tuấn Minh sau đó đập tay lên trán, rồi ôm mặt, gục xuống bàn thêm một lúc. Anh vẫn đánh thêm vài nước nữa, trước khi bắt tay xin thua rồi gượng cười. Các đồng đội liền đến vỗ vai và động viên kỳ thủ 29 tuổi.

Kỳ thủ Việt Nam tự đập vào đầu khi thua ở giải thế giới
 
 

Diễn biến tâm trạng của Lê Tuấn Minh.

Lê Tuấn Minh sinh năm 1996, là Đại kiện tướng thứ 13 của Việt Nam. Anh nổi tiếng nhờ khả năng đánh cờ nhanh, chớp và siêu chớp trên các nền tảng trực tuyến. Tuấn Minh cũng từng được kỳ thủ số hai thế giới Hikaru Nakamura khen ngợi vì những hành động đẹp, như vỗ tay chúc mừng đối thủ sau trận thua.

Đó là thất bại duy nhất của Tuấn Minh trong 11 ván tại giải. Nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều tới trận đấu, khi đội của anh thua 1,5-4,5. MGD1 sau đó vô địch, còn Theme International Trading xếp thứ 17 chung cuộc.

Giải cờ nhanh đồng đội thế giới do Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) tổ chức từ 11/6 đến 13/6 tại thành phố London, Vương quốc Anh với 53 đội. Mỗi đội gồm ít nhất 6 và nhiều nhất 9 kỳ thủ. Việt Nam còn một đại diện khác dự giải là Lê Quang Liêm. Anh giành HC vàng cá nhân bàn bốn, góp công giúp đội Freedom đoạt HC đồng đồng đội.

                                                                                                    Theo Xuân Bình

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2025

Carlsen: 'Cú đập bàn của tôi tốt cho cờ vua'

Magnus Carlsen không hối hận vì hành động đập bàn sau ván thua Gukesh Dommaraju, thậm chí mừng vì nhờ đó cờ vua được chú ý hơn.

Sau ván cờ tiêu chuẩn thua Gukesh tại siêu giải Na Uy hôm 1/6, Carlsen nắm tay hai đấm mạnh xuống bàn, khiến các quân cờ nảy lên rồi đổ ra. Vua cờ 19 tuổi sau đó đứng dậy, xúc động và lấy tay che miệng. Kết quả ván đấu và diễn biến phản ứng của hai kỳ thủ được nhiều tờ báo lớn trên thế giới như Fox NewsCNNGuardian hay Reuters đưa tin. CLB bóng đá PSG cũng dẫn hình ảnh Gukesh, sau khi vô địch Champions League.

Khi được hỏi về phản ứng của bản thân trong họp báo sau khi vô địch giải Na Uy, Carlsen nói: "Điều đó tốt cho cờ vua, tốt cho giải đấu. Đấy không phải khoảnh khắc đẹp nhất của tôi. Nhưng tôi thấy tiếc vì nước đi sai lầm trong ván cờ hơn là hành động sau đó. Phản ứng đó chỉ là bộc phát. Dù sao lịch sử ít nhất cũng cho thấy tôi đã thắng giải".

Carlsen (phải) đập bàn, khiến các quân cờ nảy lên rồi đổ xuống, sau khi thua Gukesh Dommaraju ở ván 6 cờ tiêu chuẩn, siêu giải Na Uy tại tòa nhà Finansparken, thành phố Stavanger, Na Uy, ngày 1/6/2025. Ảnh: X/PhotoChess

Carlsen (phải) đập bàn, khiến các quân cờ nảy lên rồi đổ xuống, sau khi thua Gukesh Dommaraju ở ván 6 cờ tiêu chuẩn, siêu giải Na Uy tại tòa nhà Finansparken, thành phố Stavanger, Na Uy, ngày 1/6/2025. Ảnh: X/PhotoChess

Kỳ thủ Na Uy nói thêm rằng anh chỉ tức giận với bản thân, và phải mất nhiều phút sau đó mới lấy lại bình tĩnh. Nhưng sau khi đập bàn, anh đã vỗ vai Gukesh như một cử chỉ chúc mừng đàn em.

Carlsen rơi xuống thứ ba sau ván thua Gukesh ở vòng sáu. Nhưng kỳ thủ số một thế giới trở lại số một sau đó ba vòng, rồi kết thúc giải với chức vô địch lần thứ bảy. Vua cờ 19 tuổi chỉ về ba, còn vị trí á quân thuộc về Fabiano Caruana.

Giải đấu này được coi là hấp dẫn nhất từ đầu năm, với những diễn biến khó lường và các kỳ thủ bộc phát cảm xúc. Carlsen đưa ra một số lý do, đầu tiên là các kỳ thủ đã không thể hiện tốt nhất, dẫn tới những sai lầm và bất ngờ.

Một lý do khác theo anh là thời gian thi đấu. Chẳng hạn ở Candidates và chung kết thế giới 2024, mỗi kỳ thủ có 120 phút cho 40 nước đầu tiên, thêm 30 phút cho phần còn lại của ván đấu, và thời gian tích lũy 30 giây sau mỗi nước đi từ nước 41. Siêu giải Na Uy cũng cho kỳ thủ 120 phút mỗi ván, nhưng không có 30 phút cộng thêm. Thời gian tích lũy cũng chỉ là 10 giây từ nước 41. "Hai tiếng là quá đủ để chơi một ván cờ thực sự hay", anh nói.

Carlsen đập bàn, làm đổ cờ khi thua Gukesh
 
 

Carlsen đập bàn, làm đổ cờ khi thua Gukesh.

Carlsen vẫn chưa quyết định sẽ bỏ cờ tiêu chuẩn, nhưng anh không đảm bảo sẽ dự giải Na Uy năm sau. Ba giải tiếp theo của Carlsen là nhanh chớp Grand Chess Tour tại Zagreb (Croatia), Freestyle Chess ở Las Vegas (Mỹ) và esports World Cup tại Riyad (Arab Saudi). Carlsen từ chối dự giải mở mạnh nhất năm Grand Swiss tháng 9/2025, nhưng có thể sẽ bảo vệ World Cup cờ vua cuối tháng 10.

Carlsen còn nhận được câu hỏi nếu một nhà tổ chức muốn tạo ra trận đấu cờ tiêu chuẩn nhiều ván giữa anh và Gukesh, liệu anh có tham dự hay không. Kỳ thủ 34 tuổi cười rồi nói: "Nếu muốn điều đó, tôi đã tiếp tục đánh cờ tiêu chuẩn rồi".

Kể từ năm 2024, Carlsen mới chơi 33 ván cờ tiêu chuẩn, tính cả giải Na Uy vừa qua. Còn riêng năm 2023, anh chơi 63 ván. Kỳ thủ năm lần vô địch cờ tiêu chuẩn thế giới gần đây không còn cảm hứng với thể thức anh. Anh ưu tiên thời gian hơn cho cờ nhanh, chớp và Freestyle Chess.

Do Carlsen đã bỏ ngôi Vua cờ, không còn hứng thú với cờ tiêu chuẩn, nhiều người quan tâm liệu kỳ thủ nào sẽ thay anh thống trị làng cờ. "Liệu có kỳ thủ trẻ nào hiện tại có tiềm năng thống trị cờ vua không", Kiện tướng Quốc tế Tania Sachdev hỏi.

"Chẳng có ai cả. Tôi thật lòng đấy", Carlsen nói. "Gukesh đang có tiến triển, nhưng không vượt trội so với những kỳ thủ khác. Các kỳ thủ hiện tại đều có ít nhất một điểm yếu. Có thể trong tương lai sẽ có kỳ thủ thống trị các giải đấu. Nhưng lúc này tôi không thấy ai có tiềm năng đó".

FIDE bắt đầu tính Elo kỳ thủ để xếp thứ tự năm 1971. Kể từ đó, mới có 7 kỳ thủ số một, lần lượt là Bobby Fischer, Anatoliy Karpov, Garry Kasparov, Vladimir Kramnik, Veselin Topalov, Viswanathan Anand và Carlsen. Carlsen đang giữ kỷ lục 14 năm liên tiếp đứng đầu thế giới, và anh chưa có dấu hiệu sẽ sớm bị soán ngôi.

                                                                            Theo Xuân Bình

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618