Chào mừng các bạn đến với Hội Cờ Vua - Sân chơi trí tuệ dành cho mọi người - Cờ Vua giúp khai mở trí tuệ, kích hoạt não giúp trẻ thông minh hơn, ngoan hơn, học giỏi hơn. Liên hệ đăng ký học thử tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế Hotline: 090.264.1618

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Thảo Nguyên - Trường Sơn vô địch cờ nhanh quốc gia


BẮC GIANG: Nguyễn Ngọc Trường Sơn và vợ Phạm Lê Thảo Nguyên đều độc chiếm ngôi đầu cờ nhanh trưa 26/2, giải cờ vua quốc gia 2022.

Đây đã là lần thứ tư Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên cùng vô địch cờ nhanh quốc gia, sau năm 2012, 2014 và 2019. Hai kỳ thủ cũng từng cùng vô địch cờ chớp quốc gia năm 2011, 2012 và 2020..



Thảo Nguyên (phải) trong ván thứ hai hoà Bạch Ngọc Thuỳ Dương hôm 24/2.

Tại giải cờ vua toàn quốc đang diễn ra ở Bắc Giang, cờ nhanh diễn ra đầu tiên từ 24/2 đến 26/2. Trường Sơn bất bại đạt 7,5 điểm qua 9 ván. Trong đó, kỳ thủ số hai Việt Nam thắng hai Đại kiện tướng là Trần Tuấn Minh và Nguyễn Văn Huy. Chung cuộc, Văn Huy về nhì còn Tuấn Minh đứng thứ ba với cùng 7 điểm. Đây là chức vô địch cờ nhanh quốc gia thứ năm của Trường Sơn, sau năm 2011, 2012, 2014 và 2019.

Thảo Nguyên thậm chí gây ấn tượng hơn ở nội dung cờ nhanh nữ, khi giành 8 điểm trong 9 ván. Kỳ thủ 19 tuổi Bạch Ngọc Thuỳ Dương đoạt HC bạc với 7,5 điểm, còn nữ Đại kiện tướng Võ Thị Kim Phụng đứng thứ ba với 7 điểm. Đây là lần thứ chín Thảo Nguyên vô địch cờ nhanh quốc gia, sau năm 2012, 2014, 2015, 2016, 2018, 2019, 2020 và 2021. Cô thống trị nội dung này 5 năm liên tiếp.

Giải cờ vua quốc gia 2022 diễn ra từ 24/2 đến 5/3 với ba nội dung: cờ tiêu chuẩn, nhanh và chớp. Trong ngày 27/2, các kỳ thủ thi đấu 9 ván cờ chớp. Từ ngày 28/2, họ bước vào đấu 9 ván cờ tiêu chuẩn.

Kết quả giải đấu này là một trong những tiêu chí lựa chọn kỳ thủ dự SEA Games và Asiad. Môn cờ vua ở SEA Games gồm 10 nội dung, chia đều 5 nam, 5 nữ, diễn ra ở Quảng Ninh từ 10/5 đến 21/5. Mỗi nội dung được cử tối đa hai VĐV, nhưng một VĐV có thể thi đấu ở nhiều nội dung.

 

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Chúng ta đã tạo ra cờ vua, chúng ta đã tạo ra máy móc có khả năng chiến thắng chính mình ở trò chơi này

 Sở hữu tuổi đời 600 năm nếu tính từ mốc đầu tiên được thành hình như hình hài hiện tại, và sẽ là 1500 năm nếu tính cả tiền thân của mình là cờ chaturanga, cờ vua là trò chơi cổ xưa và cũng đang là trò chơi phổ biến nhất trên thế giới. Tuổi đời dài lâu kéo theo nhiều huyền thoại. Từ xưa đến nay nó đã trở thành niềm cảm hứng trong nhiều lĩnh vực, như văn chương, thi ca và cả những lĩnh vực hiện đại như khoa học máy tính. Bài viết này sẽ cùng tìm hiểu những huyền thoại, hoặc huyễn tưởng, về cờ vua và cuộc cách mạng khoa học máy tính đã thay đổi diện mạo của trò chơi này một cách sâu sắc như thế nào.


 Những huyễn tưởng đầu tiên về “cuộc cờ” và “cuộc đời”

Tiền thân của cờ vua là cờ chaturanga, một trò chơi mô phỏng chiến tranh với bốn loại quân tương ứng với bốn binh chủng trong quân đội: chiến xa, kị binh, tượng binh, bộ binh. Chaturanga ban đầu tương đối khác cờ vua hiện đại, nó xuất phát từ Ấn Độ, dần dà được du nhập sang Ba Tư, rồi sang châu Âu và đã có bước tiến hoá lớn ở châu lục này để trở thành cờ vua với luật chơi như hiện nay. Người ta thường coi điểm mốc đầu tiên của cờ vua là khi quân Hậu từ quân cờ yếu ớt với nước đi ngắn trở thành quân cờ mạnh nhất bàn cờ với khả năng đi đến bất kì đâu theo đường thẳng và chéo. Thời điểm lúc bấy giờ là thế kỉ XV.
Cũng giống như những tay mơ mới học chơi cờ của thế hệ chúng ta, buổi bình minh của cờ vua được khắc hoạ bằng các lối chơi thiên về cách đánh cảm tính, còn gọi là cách đánh giang hồ hoặc cách đánh lãng mạn, nơi người ta tư duy về trò chơi này như cách tư duy về chiến tranh ngoài thực tế. Cũng bắt đầu từ đây mà cờ vua được sản sinh ra những huyền thoại đầu tiên về mối quan hệ giữa cuộc cờ và cuộc đời, về khoa học kết hợp với nghệ thuật, về thứ trực giác bắt buộc phải có khi chơi cờ. Thậm chí đi xa hơn, các nhà đạo đức thời đó lấy cả cờ vua ra để giảng đạo, thế kỉ XIII có hẳn một quyển sách sử dụng cờ vua để định hướng đạo đức xã hội và được cho là bán chạy thứ hai, chỉ sau Kinh Thánh [1].
Thế kỉ XV đến thế kỉ XIX được gọi là thời đại lãng mạn của cờ vua. Ngày nay việc kiểm soát các ô trung tâm trên bàn cờ là nguyên tắc tối quan trọng với những ai học chơi cờ dù chỉ là nghiệp dư. Nhưng ở thế kỉ XV thì nguyên tắc ấy chưa xuất hiện. Các kì thủ hồi đó mang tư duy đánh cờ như đánh trận. Giống như đầu trận đánh các tướng lĩnh thường xung phong lên trước, thì đầu cuộc cờ người ta thường chỉ mở 1 đến 2 Tốt rồi tung quân nặng và nhẹ ra luôn, đặc biệt là Hậu và Mã vì tính cơ động vốn có của chúng. Mục đích đánh trận là lấy mạng tướng giặc nên trên bàn cờ vị trí cần tập trung tấn công của các kì thủ bấy giờ là khu vực quân Vua đứng. Dấu vết của cách đánh này có thể tìm được ở những ván chơi của Gioachino Greco (1600-1634), kì thủ người Ý này được cho là tay cờ mạnh nhất thời bấy giờ

Đặc trưng của kiểu chơi cờ lãng mạn là nó chỉ tập trung vào chiến thuật ngắn hạn và thiếu đi các chiến lược dài hạn. Ván cờ thường chỉ là cuộc đấu cục bộ của một số quân được tung ra, nhanh gọn và chớp nhoáng đến mức nhiều khi Vua bị chiếu bí mà một nửa quân trên bàn cờ vẫn chưa được triển khai.

Các kì thủ thời kì này chưa có các lí thuyết cờ rõ rệt, chỉ chơi và phân tích các biến theo kinh nghiệm. Chỉ mãi đến thế kỉ XVIII, François-André Philidor (1726-1795) lần đầu tiên đưa ra lí thuyết cờ quanh vấn đề xây dựng cấu trúc Tốt. Trong khi những kì thủ đương thời coi Tốt là vật cản không cho quân mạnh lên chiến đấu, Philidor đã nhìn ra những điểm mạnh nếu biết cách sắp xếp Tốt hiệu quả nhằm làm tiền đề cho các cuộc tấn công trong lâu dài.
Philidor để lại câu nói bất hủ cho giới chơi cờ vua “Tốt là linh hồn của cuộc cờ.”

Với tầm nhìn vượt thời đại và gần như mang tính định hình, không có gì khó hiểu khi ông trở thành một trong những “kì vương không ngai” đầu tiên của làng cờ vua, tức là những nhà vô địch ở vào thời mà cờ vua chưa có các giải đấu chính thức để tranh ngôi vô địch. Chỉ có điều đáng tiếc là Philidor đi trước thời đại quá sớm, lí thuyết của ông và sự hiệu quả của nó không tác động đủ mạnh để khiến làng cờ bấy giờ bỏ đi lối tư duy lãng mạn “đánh cờ như đánh trận”. Tư duy đánh cờ lãng mạn vẫn kéo dài thêm 100 năm nữa, cho đến khi xuất hiện Wilhelm Steinitz (1836-1900), nhà vô địch chính thức đầu tiên của làng cờ.
Sinh ra trong thời đại của cách đánh lãng mạn, thế nhưng Steinitz theo đuổi cách đánh xây dựng cấu trúc Tốt của Philidor và cải tiến nó. Việc lên ngôi vô địch của Steinitz không những là bằng chứng chứng minh cho lí thuyết của Philidor, còn là dịp hiếm hoi để thấy cách con người phản ứng trước huyễn tưởng của mình đang bên bờ vực sụp đổ khi phải đối mặt với thực tế phũ phàng. Steinitz đánh theo kiểu phòng thủ chắc chắn để tích luỹ lợi thế dần dần, thay vì lao lên thí quân và tấn công vội vàng. Cũng chính vì vậy mà một thời gian dài cách đánh của ông bị coi là “hèn nhát” và dấy lên nhiều phản đối, trước khi nó được công nhận rộng rãi vì thực chiến cho thấy đó là cách đánh thật sự hiệu quả

Xét theo cả quan điểm trí tuệ lẫn quan điểm thể thao, cách đánh phòng thủ của Steinitz không có gì sai. Về trí tuệ, cờ là một biểu tượng của sự vươn lên ở trí tuệ con người, những danh kì miệt mài tìm ra lí thuyết mới và áp dụng thành công vào thực tế bằng những chiến thắng, đó là dấu hiệu đáng mừng của trí tuệ. Mọi sự lãng mạn hoá đều trở thành lạc nhịp nếu không cho một chiến thắng ở thực chiến. Về thể thao, cờ là môn đối kháng với mục đích cao nhất là chiến thắng đúng luật, sẽ là bất công với những kì thủ bỏ hàng chục năm để rèn luyện mà không được chiến đấu bằng chiến thuật tối ưu, thay vào đó phải đánh cờ sao cho “đẹp mắt” người xem, biết rằng vẻ đẹp ấy không được xây dựng trên những giá trị cốt lõi của cờ.Dù sao thì huyễn tưởng đầu tiên này cũng đã chỉ còn là dĩ vãng, ít nhất là đối với giới kì thủ chuyên nghiệp. Nhưng chúng ta mới đang dừng lại ở cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, khi mà khoa học máy tính mới chỉ đang nhăm nhe trỗi dậy – sự trỗi dậy ấy mang đến một thay đổi sâu sắc với làng cờ.

Những huyễn tưởng về tầm quan trọng của “trực giác” trong cờ

Đã có một thời gian dài việc nhận xét người khác “Đánh cờ như máy” là hành động xúc phạm. Câu nói ấy hàm ý người đánh cờ vừa đưa ra một nước đi ngô nghê, rập khuôn, thiếu cái hồn. Bạn có thể cảm nhận điều này thông qua việc đánh với máy. Rất dễ có cảm giác khó chịu khi nước cờ của chúng thường không nhằm đáp trả lại nước cờ của bạn, trông không có chút liên quan đến tình huống hiện tại và dường như chứa đựng một toan tính xa xôi đến mức khó đoán. Lúc bấy giờ, người ta quan niệm trực giác được coi là thứ tối quan trọng trong cờ vua, mà nếu không có thì không chơi giỏi được.
Nhưng câu “Đánh cờ như máy” đến nay đã trở thành dĩ vãng, và nếu có chăng nó còn được sử dụng thì là sử dụng như một lời khen. Từ sắc thái chê bai nó chuyển dần sang sắc thái khen ngợi, ngày nay ai đánh cờ được như máy hẳn phải là một cao thủ tầm cỡ thế giới. Thậm chí trong các giải đấu, đánh giống máy quá nhiều nước đi trong một chuỗi còn bị nghi ngờ là gian lận.
Sự thay đổi trong cách nhìn nhận của con người này nằm ở sự tiến bộ chóng mặt của máy móc trong việc chơi cờ, mà dấu mốc quan trọng không thể không kể đến là năm 1997, khi lần đầu tiên loài người thua máy móc trong một cuộc đấu cờ chính thức. Nhà vô địch cờ vua lúc bấy giờ, Garry Kasparov, đấu với siêu máy tính của IBM, Deep Blue. Kết quả chung cuộc của cuộc đấu năm 1997 là Deep Blue–Kasparov: 3½–2½ (Deep Blue 2 thắng, 3 hoà; Kasparov 1 thắng, 3 hoà).
Nhiều điều thú vị có thể rút ra từ cuộc đấu này. Thứ nhất, chiến thắng này của máy móc không phải là quả bom nổ bất thình lình, mà nó là chiến thắng có thể dự đoán được qua những tiến bộ được tích luỹ dần dần của khoa học máy tính. Trước cuộc đấu 1997, Kasparov đã có một cuộc đấu khác với Deep Blue vào năm 1996. Kết quả cuộc đấu 1996 là Kasparov–Deep Blue: 4–2 (Kasparov 3 thắng, 2 hoà; Deep Blue 1 thắng, 2 hoà). Điều đó có nghĩa là Deep Blue từng thắng nhà vô địch Kasparov 1 ván ở năm 1996.
Thứ hai, cũng giống như những thành công trong lí thuyết cờ của Philidor không đủ để xoá tan những huyễn tưởng của thế kỉ XVIII trong một sớm một chiều, chiến thắng năm 1996 của Deep Blue cũng như vậy đối với huyễn tưởng về thứ trực giác bắt buộc phải có trong cờ vua. Thực tế, sau ván thua năm 1996, Kasparov cáo buộc đội ngũ IBM gian lận vì lén lút cho một đại kiện tướng-con người điều khiển Deep Blue khi đấu với ông. Sau ván thua năm 1997, Kasparov cũng đưa ra cáo buộc tương tự như vậy. Lí do ông nói thế là bởi ở những ván ấy Deep Blue đưa ra những nước cờ “có hồn” quá, có “tính người” quá, đến mức ông đoán chỉ có con người mới chơi như thế được mà thôi.
Nhưng đó là ở quãng năm 1997 khi trí tuệ của máy móc chưa hoàn toàn gạt bỏ được mọi nghi ngờ, sau đó người ta vẫn tiếp tục mở nhiều cuộc đấu giữa máy và người nữa. Nhưng đến năm 2019 con người đã hoàn toàn từ bỏ mọi nỗ lực nhằm thắng cờ máy. Năm 2016, chính Kasparov cũng thừa nhận rằng tất cả cáo buộc của ông đều không đúng và ngày nay một phần mềm chơi cờ chạy trên laptop bình thường cũng có thể thắng Deep Blue dễ dàng .
Trong khi đó Deep Blue đã thắng Kasparov, và Kasparov hiện đang là kì thủ con người có chỉ số ELO cao thứ hai trên thế giới (sau Magnus Carlsen), vậy thì ta có thể mường tượng máy móc đang lấn lướt các kì thủ con người dễ dàng đến mức nào.
3. Làng cờ còn lại gì sau khi cơn bão máy móc quét qua?
Câu trả lời, đáng mừng là, còn rất nhiều. Hay thậm chí có thể nói là làng cờ nhận về nhiều hơn mất. Sau chiến thắng của Deep Blue, mặc dù lòng tự tôn cũng như huyễn tưởng của loài người bị đánh phá tơi bời, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ cờ. Gần như ngay sau đó, Kasparov vẫn tiếp tục chơi cờ, nhân loại vẫn tiếp tục học, dạy, chơi, và thi đấu cờ. Đây có thể coi là phẩm chất thật sự cao đẹp ở con người đối với cờ, đó là chơi không hoàn toàn để thắng. Mặc dù biết rằng giống loài chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành nhà vô địch nữa, nhưng chúng ta vẫn cứ chơi cờ.
Chỉ có điều là tất cả hoạt động liên quan đến cờ của chúng ta từ đó trở đi không bao giờ còn như xưa nữa.
Chúng ta thực tế hơn. Sau hai đợt đổ vỡ ảo tưởng trong lịch sử cờ như chúng tôi đã kể, ngày nay chúng ta rất hiếm khi được nghe các kì thủ chuyên nghiệp khen ngợi cờ vua bằng những sáo ngữ liên quan đến trực giác, nghệ thuật, chiến tranh, hay bài học cuộc đời, v.v. Những sáo ngữ ấy nếu có thì chỉ nằm trên miệng dân ngoại đạo mà thôi, bởi kì thủ chuyên nghiệp nào cũng hiểu rằng đây là trò chơi thuần tuý tính toán, và ai muốn chơi giỏi thì tốt nhất nên sắm cho bản thân một phần mềm dạy cờ tân tiến, thay vì ngồi suy tư những bài học cuộc sống từ một trò chơi có 64 ô vuông.
Tính thực tế này đôi khi thực tế đến mức trần trụi. Theo đại kiện tướng người Nga Vladimir Kramnik, máy móc ngày nay hiện đại đến mức xây dựng được cả thư viện khổng lồ tất cả những khai cuộc (giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất trong ba giai đoạn của một ván cờ bao gồm khai cuộc, trung cuộc, tàn cuộc) hay dùng, các kì thủ thay vì tự nghiên cứu các biến thể khai cuộc, họ có thể tham khảo thư viện khai cuộc để rồi học thuộc lòng. Nhiều ván đấu đỉnh cao được chơi bằng cách học thuộc lòng suốt một nửa đầu ván. Vì lí do này mà nhiều người nói rằng cờ vua đã bớt sáng tạo và đang dần trở thành môn học thuộc lòng nhàm chán.
Nhưng điều này không phải lỗi do máy. Máy móc chỉ đang tìm ra những cách chơi cờ tối ưu mà thôi, nó cũng giống với công việc của biết bao nhà lí thuyết cờ trong quá khứ, chỉ là được làm một cách triệt để hơn.


Khi Philidor đề ra lí thuyết cấu trúc Tốt cũng là lúc lối chơi lãng mạn đến hồi cáo chung, khi Steinitz đề ra cách chơi phòng thủ cũng là lúc lối chơi thí quân vồ vập trở nên rệu rã. Càng tối ưu càng bớt đa dạng, đó dường như là đặc điểm của trò chơi này, dựa trên luật chơi nó đang có. Cách duy nhất để thoát khỏi nó chỉ có thể là sửa luật cờ mà thôi, như Bobby Fischer đã từng làm khi sáng tạo biến thể cờ Chess960.

Mặt khác, việc xem thi đấu thể thao bằng tâm thế xem phim drama đã là sai lầm từ cơ bản. Những gì thể thao đề cao là tính trung thực, vẻ đẹp của thể thao cũng xuất phát từ đó mà ra. Người ta nên xem thi đấu cờ bằng con mắt của trí tuệ thay vì chờ đợi những cảm xúc kịch tính như là một nước vô nghĩa nhưng chuyển bại thành thắng, hay một sai lầm nhưng vẫn đem về vinh quang. Những cảm xúc kịch tính kiểu này chỉ thoả mãn những khán giả tò mò chứ không đem lại giá trị tốt đẹp cho kì thủ, nếu biết rằng một sai lầm trong cờ vua có thể khiến kì thủ thức nhiều đêm dài dằn vặt bản thân, một thất bại vì sai lầm dễ khiến công sức rèn luyện của kì thủ ấy trở thành mây khói, và một kì thủ ngồi vào bàn cờ để tìm trí tuệ và chiến thắng, chứ không phải tìm drama hay mong muốn bản thân trở thành một phần của vở kịch thỏa mãn khán giả.
Chúng ta khiêm nhường hơn. Nhà vô địch-máy móc hiện nay trong cờ vua là AlphaZero. AlphaZero cũng là máy đánh cờ, nhưng dùng công nghệ mới mẻ và hiện đại hơn nhiều so với Deep Blue, AlphaZero có khả năng tự chơi và tự học từ những ván chơi với bản thân mà không được cung cấp các kiến thức gì ngoài luật chơi tối thiểu, thậm chí không được biết về nguyên tắc khai cuộc. Trong 9 giờ tự chơi, nó hoàn thành 44 triệu ván đấu. Sau 2 giờ, nó chơi giỏi hơn con người. Sau 4 giờ, nó chiến thắng phần mềm cờ vua tốt nhất con người đang có. Nó mất chưa đầy nửa ngày để trở thành nhà vô địch thế giới.
Năm 2018, tiền thân của AlphaZero là AlphaGo thi đấu cờ vây với nhà vô địch cờ vây Lee Sedol. Cờ vây được cho là cần trực giác rất cao và bấy giờ máy móc chưa thắng được người ở môn này. Nói ngắn gọn thì kết quả ván đấu là máy thắng. Lần này kì vương cờ vây của chúng ta phản ứng rất khác với kì vương cờ vua của 21 năm trước. Lee Sedol sau khi thua với tỉ số 1-4 chỉ nói rằng “Tôi xin lỗi vì đã bất lực”  chứ tuyệt không đổ lỗi do máy gian lận. Hành động nhỏ này của Sedol cùng những động thái khác của làng cờ khiến chúng ta có thể tin vào lòng khiêm nhường của con người. Lòng khiêm nhường ấy xuất phát từ thực tế rằng con người đã học được rằng giống loài của mình không còn giữ vị trí độc tôn trong lĩnh vực cờ nữa.
Với đặc thù của mình, trước kia cờ vua là môn thể thao không thể gian lận hiệu suất thi đấu, bởi vì không có thứ thuốc nhất thời nào giúp kì thủ uống vào làm mẫn tiệp hơn được. Hồi đó gian lận ở cờ vua chỉ là các hành động thuộc phạm trù không đẹp như thái độ khiêu khích, chạm tay vào quân mà không đi, dàn xếp tỉ số. Sự trỗi dậy của máy móc sinh ra hình thức gian lận mới: nhờ máy tính chơi giúp. Hệ quả là bắt đầu từ quãng những năm 2008, các giải đấu đều cấm mang điện thoại vào, đồng thời có nhiều vụ gian lận dưới hình thức giấu điện thoại trong nhà vệ sinh. Cũng qua đó mà chúng ta hiểu rằng cờ vua không phải trò chơi cao quý đến mức người chơi không gian lận, mà chỉ là xưa kia không có điều kiện gian lận mà thôi.


Lợi ích sau cùng là, bất chấp những lời chỉ trích cho rằng máy móc đang phá huỷ môn cờ vua, sự hoạt động của máy móc vẫn đã và đang cần mẫn phụng sự mục tiêu cốt lõi của nó: cờ vua. Đối với người học cờ, tất cả đều được chia đều cơ hội để học. Xưa kia chỉ một số ít trẻ em có đặc quyền được hưởng nền giáo dục cờ chất lượng cao từ những người thầy là đại kiện tướng, giờ đây một phần mềm trên máy tính thông thường cũng giỏi cờ bất kì đại kiện tướng nào và đều có thể dạy theo cách của nó. Phần mềm chỉ cho chúng ta rằng một nước đi là tốt hoặc tệ, trong một thế cờ nhất định thì nên đi nước nào và chuỗi các nước đi sau đó nên như thế nào, thư viện các khai cuộc lúc nào cũng sẵn sàng để tham khảo, tất cả điều này đều có thể làm trên một chiếc điện thoại di động bình dân ngày nay. Chess dot com, trang chơi cờ vua lớn nhất thế giới đã và đang áp dụng những công nghệ này. Hàng loạt trang khác cũng phát triển theo hướng tương tự, tập trung vào AI và các phương pháp chuyển hóa UX/UI sao cho người và máy có thể hợp tác hiệu quả với nhau. Rất có thể thành tựu từ lĩnh vực này sẽ sớm được tận dụng trong các lĩnh vực giáo dục khác trong thế kỷ 21.
Đối với kì thủ chuyên nghiệp, một nghiên cứu của Kenneth W. Regan chỉ ra rằng hệ số Elo kể từ khi ra đời vào năm 1970 đến nay vẫn giữ mức độ ổn định và không “lạm phát”, có nghĩa là đại kiện tướng có Elo 2700 của 50 năm trước sẽ mang trình độ ngang bằng với đại kiện tướng 2700 của ngày nay [11]. Nhưng chúng ta hôm nay thì có rất nhiều đại kiện tướng với hệ số Elo cao hơn nhiều so với lớp tiền bối. Những tượng đài nổi tiếng trong cờ vua như Bobby Fischer (2785), Anatoly Karpov (2725), Mikhail Tal (2660) đều có hệ số Elo thấp hơn nhiều so với những đại kiện tướng kém nổi tiếng hơn ngày nay: Magnus Carlsen – Vua cờ hiện tại (2882), Fabiano Caruana (2844), Levon Aronian (2830). Biết rằng ở thi đấu cờ vua đỉnh cao, chỉ cần chênh 100 Elo là kì thủ thấp hơn có rất ít cơ hội thắng.
Và cuối cùng, có lẽ thứ phá hoại cờ vua nhất không phải là cách đánh phòng thủ “hèn nhát” của Steinitz, hay sự trỗi dậy của máy móc, mà là những huyễn tưởng quanh nó. Những huyễn tưởng không tồn tại vì lợi ích của những người chơi, và cũng không phụng sự cho tiến trình trí tuệ của trò chơi này, thậm chí không liên quan đến bản chất của trò chơi ngay từ đầu. Nó chỉ tồn tại để thoả mãn những tưởng tượng đậm chất kịch tính của người thích xem cờ vua như một bộ phim drama, và xem cuộc cờ như một cuộc sát phạt thấm đẫm cảm xúc thay vì là một cuộc thi trí tuệ.
Chúng ta đã tạo ra cờ vua, chúng ta đã tạo ra máy móc có khả năng chiến thắng chính mình ở trò chơi này. Tôi vẫn chưa hiểu vì sao đó lại là một điều đáng buồn?
Đã đến lúc để giải phóng tâm trí và sức lao động để tạo ra những thứ mới mẻ, phức tạp hơn.

Những lợi ích khi chơi cờ vua

 

Kết quả từ các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Cờ Vua là một môn thể thao trí tuệ giúp trẻ nhỏ cư xử thông minh, phát triển tư duy logic thông qua suy nghĩ và tính toán. Ngoài ra, chơi Cờ Vua còn là giải pháp điều trị cho trẻ tự kỷ, thiểu năng hoặc rối loạn hành vi.

Những lợi ích khi chơi cờ vua

Theo nghiên cứu của tiến sỹ Nguyễn Hồng Dương – Trưởng Khoa Cờ thuộc trường Đại học thể dục thể thao trung ương 1,.cấu trúc năng lực tư duy trong Cờ vua bao gồm các nhóm năng lực tư duy logic; năng lực tư duy khái quát; năng lực chuyển đổi tư duy ngôn ngữ và năng lực tư duy sáng tạo.



Đối với trẻ em, trong quá trình học Cờ Vua, chơi Cờ Vua, khả năng tư duy và trực giác của trẻ được phát triển, trí nhớ trở nên linh hoạt hơn, bền vững hơn và dung lượng ghi nhớ lớn hơn.

 Khả năng tập trung chú ý được phát triển và hoàn thiện theo thời gian. Cờ Vua giúp đẩy mạnh việc tập trung suy nghĩ, khả năng lựa chọn quyết định, góp phần tạo nên ý chí, tính quyết đoán và độ ổn định về cảm xúc. Vì vậy, việc dạy học có định hướng đối với người học chơi cờ sẽ cho phép phát triển các nhóm năng lực tư duy trên một cách có chủ đích, giúp phát triển tư duy người học.

Một nghiên cứu đã được thực hiện bởi đại học Aberdeen trên các trẻ em tiểu học chứng minh rằng: Chơi cờ vua có thể giúp các em cải thiện khả năng đọc hiểu, tính toán, lên kế hoạch và tăng mức độ linh hoạt.

Minh chứng cụ thể

Cậu bé Kieran Barrass 9 tuổi luôn đứng đội sổ ở trường Southmere. Tuy nhiên, sau khi tham gia lớp học cờ vua bé đã “lột xác” trở thành một người khác.

Sau một thời gian tham gia câu lạc bộ cờ vua, Kieran đã tiến bộ vượt bậc khiến bố mẹ vô cùng bất ngờ khi chứng kiến con mình liên tục chiến thắng qua các cuộc thi đấu trong thành phố. Điều đặc biệt là khả năng tập trung của cậu cũng được cải thiện, thành tích học tập ở trường cũng có những chuyển biến rõ rệt. Chỉ sau 1 năm, cậu từ thành phần bét lớp đã lột xác trở thành một học sinh xuất sắc.

Ngoài những kết quả trên, điều mà bố mẹ Kieran vui mừng nhất là cậu có thể ngồi suốt 4h chỉ để tính toán một nước cờ thay vì nhảy nhót lung tung, khó bảo như trước đây. Mẹ cậu bé cho biết, Kieran cũng rất vui và yêu bộ môn trí tuệ này và “Cờ vua thực sự thú vị và khiến cháu thông minh hơn. Giờ cháu đã luôn đứng trong top đầu ở mọi lĩnh vực”.

Nguồn: sưu tầm.

 

Vua cờ Carlsen tái ngộ Nepomniachtchi

 

Magnus Carlsen và kỳ thủ số một Nga Ian Nepomniachtchi tái đấu ở chung kết siêu giải online Airthings Masters, hai tháng sau trận tranh ngôi Vua cờ.

Sau khi hạ Lê Quang Liêm ở tứ kết với tỷ số 2,5-1,5, Carlsen thắng Vladislav Artemiev áp  đảo 2,5-0,5 tại bán kết sáng 25/2, giờ Hà Nội. Vua cờ Na Uy thắng cả hai ván đầu tiên, trước khi hoà nhanh ở ván thứ ba. Đây là lần thứ 10 Carlsen vào chung kết trong 16 chặng thuộc Tour đấu do chính anh khởi xướng.


Carlsen (phải) và Nepomniachtchi trong trận chung kết cờ vua thế giới ở Dubai năm 2021. Ảnh: FIDE

Carlsen tái ngộ á quân thế giới Nepomniachtchi ở chung kết, diễn ra sáng 26/2 và 27/2. Nepomniachtchi cũng thắng đồng hương Andrey Esipenko 2,5-0,5 ở bán kết. Dù đi tiếp với tỷ số cách biệt, Nepomniachtchi không quá hài lòng với màn thể hiện của bản thân khi bị phân tâm bởi tình hình ở Ukraine.

"Tôi chơi rất tệ vì tôi không thể tập trung suy nghĩ", anh nói từ quê nhà Moscow. "Tôi phải thi đấu hoàn toàn dựa vào trực giác. Với tôi ngày nào cũng là một thử thách, và hôm nay thử thách đó đặc biệt hơn".

Ở chung kết cờ vua thế giới 2021, Carlsen thắng Nepomniachtchi 7,5-3,5 để lần thứ năm đăng quang. Vua cờ hy vọng anh có thể lặp lại chiến thắng áp đảo như vậy tại Airthings Masters. "Tôi mong rằng tỷ số sẽ thú vị như vậy, và tôi sẽ cố tận lực để làm được điều đó", Carlsen nói.

Chung kết Airthings Masters diễn ra hai ngày, mỗi ngày bốn ván cờ nhanh. Nếu hai người hoà sau hai ngày thi đấu, họ sẽ phân thắng bại bằng tie-break cờ nhanh. Tiền thưởng của Nepomniachtchi và Carlsen đến lúc này lần lượt là 7.250 USD và 6.250 USD. Người vô địch sẽ nhận thêm 25.000 USD, còn á quân nhận thêm 15.000 USD.

 

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Giải vô địch Cờ vua quốc gia năm 2022 quy tụ nhiều đại kiện tướng

Giai vo dich Co vua quoc gia nam 2022 quy tu nhieu dai kien tuong hinh anh 1Các kỳ thủ thi đấu ở nội dung cờ nhanh. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Ngày 24/2, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang, Liên đoàn Cờ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc Giải vô địch Cờ vua quốc gia năm 2022 cúp LienVietPostBank.

Giải đấu năm nay có sự góp mặt của hơn 130 kỳ thủ đến từ 18 đơn vị, tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng, Kiên Giang, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bến Tre, Bình Định, Lâm Đồng, Bắc Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Quân đội, Đồng Tháp.

Tham dự giải đấu, các kỳ thủ thi đấu ở 3 nội dung dành cho nam và nữ gồm: cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp nhoáng.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Giải vô địch Cờ vua quốc gia năm 2022 cúp LienVietPostBank là giải đấu đỉnh cao với sự tham gia của các Đại kiện tướng như Trần Tuấn Minh, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Anh Khôi, Cao Sang, Đào Thiên Hải, Phạm Lê Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Thanh An, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thị Mai Hưng, Võ Thị Kim Phụng, cùng rất nhiều các kỳ thủ đẳng cấp quốc tế như Lê Tuấn Minh, Nguyễn Thiên Ngân, Bạch Ngọc Thùy Dương, hứa hẹn sẽ có nhiều ván đấu hay, kịch tính và hấp dẫn.

Kết thúc giải, ban tổ chức sẽ trao tổng 6 bộ huy chương và cúp dành cho nam và nữ ở 3 nội dung cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp nhoáng.

Ngay sau lễ khai mạc, các kỳ thủ đã thi đấu ở nội dung cờ nhanh, ván 1-3.

Giải vô địch Cờ vua quốc gia năm 2022 cúp LienVietPostBank là giải đấu quan trọng của Cờ vua Việt Nam.

Đây là dịp để các kỳ thủ cọ xát, trau dồi kinh nghiệm và nâng cao thành tích trong thi đấu, đồng thời tuyển chọn các kỳ thủ vào đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế trong năm 2022- 2023 và tham gia SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5/2022./.

Đồng Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Quang Liêm bị Vua cờ Carlsen loại khỏi Airthings Masters

 Kỳ thủ số một Việt Nam Lê Quang Liêm không thể tạo ra bất ngờ nào, khi thua Magnus Carlsen 1,5-2,5 ở tứ kết siêu giải online Airthings Masters sáng 24/2.


Quang Liêm (phải) ở Mỹ thi đấu trực tuyến với Vua cờ Magnus Carlsen, tại tứ kết Airthings Masters sáng 24/2, giờ Hà Nội. Ảnh: chụp màn hình

Quang Liêm trụ được qua bốn ván cờ nhanh, nhưng không lúc nào anh có ưu thế lớn để thắng một ván đấu. Ngay ở ván đầu tiên cầm quân trắng, Carlsen đã vươn lên dẫn trước. Ở ba ván còn lại, Vua cờ Na Uy chơi chắn và đều hoà. Thậm chí ở ván cuối khi cầm quân đen, Carlsen có cơ hội thắng nhưng anh chiếu bất biến để hoà cờ. Bởi kết quả đó vừa đủ để anh vào bán kết, còn Quang Liêm dừng bước.

Mấu chốt trận đấu này nằm ở ván đầu tiên, khi Quang Liêm không nhìn ra đòn phối hợp để giữ thế cờ cân bằng. Sau khi Quang Liêm lỡ cơ hội đó, Carlsen đã chiếm ưu thế lớn ở tàn cuộc.


Thế cờ sau 20.Bxa8. Xe đen lúc này có hai lựa chọn, là bắt tượng trắng a8 hoặc e5. Quang Liêm chọn tượng a8, nhưng đúng ra phải ăn tượng e5.


Sau khi xe trắng ra c1 để bắt tốt c2, lúc này Đen có thể thí xe vào tốt e3. Tốt trắng f2 không thể bắt lại xe, bởi tượng đen sẽ bắt tốt e3 chiếu bắt xe.


Còn nếu mã trắng bắt tượng đen b6, xe đen có thể bắt tốt b3, vừa doạ bắt lại mã trắng, vừa doạ đưa xe xuống b1 bắt xe trắng. Thế cờ vẫn cân bằng.

Lựa chọn của Quang Liêm với nước 20...Rxa8 khiến Đen rơi vào thế bị động. Trắng dễ dàng hơn trong việc bắt tốt c2, còn Đen phải chịu tới hai tốt cô lập ở cột a và c. Khi đó hai bên vẫn ngang quân, nhưng Trắng chiếm nhiều không gian hơn, lại có thế chủ động.


Thế cờ sau 23.Rxc2. Đen có hai tốt yếu, phải nhờ tượng đen giữ ở b6. Nhưng tình huống này khiến tượng đen không thể di chuyển sang ô nào khác, nếu không Đen sẽ mất tốt hoặc mất tượng. Mã đen cũng không còn đường nào di chuyển, do các ô tiềm năng đều bị trắng kiểm soát. Xe đen lại ở trong a8, cần thêm vài nước để vào vị trí tốt hơn.


Nhiệm vụ của Trắng lúc này là đưa vua sang cánh hậu để tận dụng những điểm yếu của Đen ở đó. Kỹ thuật đánh tàn cuộc là một trong những điểm mạnh nhất của Carlsen, và anh không mất nhiều thời gian để nhìn ra phương án thắng như vậy.

Thế cờ sau 30.Kc4. Thắng thua được định đoạt khi vua trắng tới được c4. Mã đen lúc này buộc phải di chuyển do bị vua trắng tấn công. Sau đó, Carlsen đổi xe và bắt được tốt a5. Lợi thế hơn tốt trong tàn cuộc này giúp Carlsen thắng.

Trong hai ván cầm quân trắng sau đó, Quang Liêm đều không tạo được ưu thế nào rõ rệt. Anh không dùng khai cuộc 1.e4 lần nào trong chín ván cầm trắng tại giải. Còn lần gần nhất xuất hiện tại Champions Chess Tour ở Aimchess US 2021, Quang Liêm dùng khai cuộc 1.e4 ba ván, với kết quả thắng một và hoà hai.

Dù sao đây cũng là giải đấu thành công với Quang Liêm, khi anh vào được top 8 để đảm bảo suất dự chặng tiếp theo của Champions Chess Tour, dự kiến diễn ra từ 19/3 đến 26/3. Đến tháng 5/2022, anh sẽ trở lại Việt Nam để dự SEA Games, nội dung cờ nhanh và chớp.

Còn Carlsen vào bán kết Airthings Masters gặp Vladislav Artemiev, kỳ thủ bất ngờ loại Đinh Lập Nhân ở tứ kết. Cặp bán kết còn lại diễn ra nội bộ Nga giữa Ian Nepomniachtchi và Andrey Esipenko.

Airthings Masters là chặng đầu tiên của hệ thống giải có quỹ thưởng 1,6 triệu USD Champions Chess Tour. Chặng này quy tụ 16 kỳ thủ được mời, trong đó có sáu kỳ thủ top 10 thế giới. Quang Liêm vào tứ kết sau khi đứng thứ bảy vòng tròn tính điểm, ngay trên hai kỳ thủ top 10 thế giới Levon Aronian và Anish Giri. Kỳ thủ số một Việt Nam kết thúc giải với tiền thưởng 7.500 USD.

Nepomniachtchi đã lên ngôi vua ở giai đoạn sơ khai của Giải Cờ vua Vô địch 2022

Meltwater Champions Chess Tour 2022 lọt  vào tứ kết với 8 kỳ thủ đứng đầu của giải. Magnus Carlsen đã cố gắng để dành được một vị trí  trong khi Nepomniachtchi đăng quang ngôi vương của giai đoạn prelim.



Ảnh: Niki Riga / World Chess

Ian Nepomniachtchi số 1 của Nga đã có một chuyến du đấu xuất sắc cho đến nay, ghi được 29 điểm và tiến vào tứ kết một cách dễ dàng trước GM người Đức Vincent Keymer. Keymer đã gây được ấn tượng với màn trình diễn của anh ấy tại Tour, sau khi anh ấy tham gia FIDE Grand Prix 2022 với tư duy biết ơn và khiêm tốn của mình.

Nhà vô địch thế giới, người vẫn đang chịu tác dụng phụ của COVID-19, đã có số điểm 2,5 / 3 trong Ngày thứ 4 và đảm bảo vị trí của mình trong vòng tứ kết với 25 điểm.

Một bất ngờ lớn là streamer người Canada Eric Hansen, người không chỉ đứng thứ 5 với 23 điểm và đủ điều kiện vào vòng loại trực tiếp mà còn đánh bại Carlsen và Nepo trong Tour! “Đó là một giấc mơ,” Hansen nói sau đó. "Tôi vẫn đang tiếp tục."

Trong khi đó, nữ hoàng cờ vua, Alexandra Kosteniuk, đã giành được chiến thắng đầu tiên và duy nhất của mình trong Giải đấu với Hansen,  vô cùng nhẹ nhõm và hạnh phúc!

Những tên tuổi lớn đã bị loại khỏi vòng tứ kết, như người vào chung kết FIDE Grand Prix 2022 Levon Aronian, nhà vô địch Magnus Carlsen Invitational Anish Giri và thần đồng cờ vua Ấn Độ 16 tuổi Rameshbabu Praggnanandhaa.

Pragg đã đạt tiêu đề trong đêm nhưng những dòng tweet tự hào vì đã đánh bại Nhà vô địch thế giới vẫn tiếp tục xuất hiện. Thủ tướng Ấn Độ, nhà lãnh đạo của đất nước đông dân thứ hai trên thế giới, trang web tin tức lớn nhất thế giới và kênh chính thức của Chính phủ Ấn Độ đã chúc mừng Pragg trẻ tuổi trên Twitter

 

Quang Liêm đấu Vua cờ Carlsen ở tứ kết Airthings Masters

 

Giành 7 trên 9 điểm trong ngày thi sáng 23/2, kỳ thủ Lê Quang Liêm chen vào top 8 siêu giải cờ nhanh online Airthings Masters.

Quang Liêm leo bốn bậc, từ vị trí 11 lên thứ 7 nhờ hai chiến thắng và một ván hoà trong ngày thi cuối vòng tròn tính điểm. Anh cầm quân trắng, hạ nữ kỳ thủ duy nhất tại giải Alexandra Kosteniuk. Đến ván thứ hai, Quang Liêm cầm quân đen nhưng hạ đối thủ cạnh tranh trực tiếp Vincent Keymer. Ở ván cuối hoà Hans Niemann giúp Quang Liêm vừa đủ điểm kết thúc trong top 8.

Kỳ thủ số một Việt Nam kiếm 22 điểm qua 15 ván đấu, ngay trên hai kỳ thủ top 10 thế giới Levon Aronian và Anish Giri. Nhóm bị loại còn có nhà vô địch cờ nhanh thế giới Nodirbek Abdusattorov, người đoạt Cup Thế giới Jan-Krzysztof Duda hay kỳ thủ số bảy thế giới Shakhriyar Mamedyarov.

"Tin tốt là tôi đã vào tứ kết", Quang Liêm viết lên Twitter sau ván đấu. "Còn tin xấu là tôi gặp Carlsen".

Bảng điểm vòng tròn tính điểm Airthings Masters sau 15 ván.

Bảng điểm vòng tròn tính điểm Airthings Masters sau 15 ván.

Quang Liêm bằng điểm Đinh Lập Nhân và Keymer, và đứng giữa hai kỳ thủ này theo chỉ số phụ. Với vị trí thứ bảy, kỳ thủ người TP HCM sẽ gặp người đứng nhì bảng vòng ngoài, chính là Carlsen. Vua cờ Na Uy giành 25 điểm, ít hơn bốn điểm so với người dẫn đầu Ian Nepomniachtchi. Vị trí thứ ba và thứ năm lần lượt thuộc về Vladislav Artemiev, Andrey Esipenko và Eric Hansen.

Quang Liêm kết thúc vòng tròn với 6 ván thắng, 4 hoà và 5 thua. Anh thắng Hansen, Duda, Mamedyarov, Esipenko, Kosteniuk và Keymer. Năm người hạ Quang Liêm gồm Carlsen, Đinh, Giri, Artemiev và Abdusattorov. Tiền thưởng hiện tại của kỳ thủ số một Việt Nam là 5.500 USD. Quan trọng hơn, việc vào top 8 Airthings Masters đảm bảo cho Quang Liêm dự một giải tiếp theo của Champions Chess Tour, hệ thống thi đấu trực tuyến do Carlsen khởi xướng.

Đây là lần thứ ba Quang Liêm vào vòng đấu loạt trực tiếp ở Champions Chess Tour, sau New in Chess Classic tháng 4/2021 và Chessable Masters tháng 8/2021. Thành tích tốt nhất của anh là vào chung kết ở Chessable Masters, trước khi thua Wesley So.

Quang Liêm đang đứng thứ 30 thế giới cờ tiêu chuẩn, và thứ 46 cờ nhanh, còn Carlsen đứng số một cả hai loại cờ này. Trong 10 lần đụng độ trước đây, Quang Liêm hoà một và thua 9 ván trước Vua cờ.

Quang Liêm (trái) đấu Carlsen ở giải cờ nhanh thế giới cuối năm 2019 tại Moscow, Nga. Ảnh: FIDE

Quang Liêm (trái) đấu Carlsen ở giải cờ nhanh thế giới cuối năm 2019 tại Moscow, Nga. Ảnh: FIDE

Tứ kết Airthings Masters diễn ra từ 0h thứ Năm 24/2, giờ Hà Nội. Các cặp đấu tối đa bốn ván cờ nhanh, kỳ thủ nào đoạt 2,5 điểm trở lên sẽ vào bán kết. Nếu hoà 2-2 sau bốn ván, hai kỳ thủ sẽ đấu tie-break hai ván cờ chớp. Nếu vẫn hoà, hai kỳ thủ sẽ đấu một ván armageddon để tranh suất đi tiếp.

Nguồn: vnexpress.net

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Kỳ thủ 12 tuổi trở thành Đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử cờ vua

 

Abhimanyu Mishra đã phá kỷ lục 12 năm 7 tháng của Sergey Karjakin (Budapest, Hungary) - người đã giữ vững danh hiệu trong suốt 19 năm qua - khi trở thành đại kiện tướng cờ vua ở 12 tuổi, 4 tháng.



Mới 12 tuổi, cậu bé Abhimanyu Mishra đã trở thành Đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử cờ vua.

Mishra (New Jersey, Mỹ) đã phá kỷ lục 12 năm 7 tháng của Sergey Karjakin (Budapest, Hungary) - người đã giữ vững danh hiệu trong suốt 19 năm qua - khi trở thành đại kiện tướng cờ vua ở 12 tuổi, 4 tháng và 25 ngày.

Để trở thành Đại kiện tướng cờ vua, một kỳ thủ phải đạt được 3 tiêu chuẩn kiện tướng - giải thưởng được trao cho người có thành tích cao trong một giải đấu cờ vua - cũng như phải có hệ số Elo (bảng xếp hạng chi phối cuộc thi cờ vua quốc tế) do FIDE (Liên đoàn Cờ vua Thế giới) đưa ra ít nhất là 2500 điểm.

Tại giải đấu Vezerkepzo GM Mix diễn ra vào ngày 29/6 tại Hungary, Mishra đã đánh bại Đại kiện tướng Leon Mendonca ở ván thứ chín gay cấn để giành được chuẩn Đại kiện tướng thứ ba và cũng là chuẩn cuối cùng khi cậu bé đã kiếm được hai chuẩn đầu tiên 2 tháng trước đó.

[Nga tái hiện trận đấucờ Vua lịch sử từ ngoài không gian]

Sau khi chiến thắng, cậu bé Mishra đã đăng một thông điệp ăn mừng trên Twitter: “Cuối cùng cũng thắng được đối thủ lớn nhất mà dịch COVID-19 đã ngăn cản con trong suốt 14 tháng. Cảm ơn tất cả mọi người đã luôn yêu thương và ủng hộ con. Mong chờ đến giải đấu tại cup vô địch thế giới.”

Việc phá kỷ lục có vẻ là điều khá quen thuộc đối với Mishra. Khi mới 7 tuổi, cậu bé đã trở thành chuyên gia trẻ nhất của Liên đoàn Cờ vua Mỹ. Sau đó, khi mới 10 tuổi, 9 tháng và 20 ngày, cậu bé trở thành Kiện tướng Quốc tế trẻ nhất từ trước đến nay. Kỷ lục trước đó do Đại kiện tướng người Nga Karjakin nắm giữ vào năm 2002. 

 

Kiện tướng tuổi teen Ấn Độ “hạ đo ván” nhà vô địch thế giới M.Carlsen

 

Chỉ sau 39 nước đi, Kiện tướng cờ vua thiếu niên của Ấn Độ Rameshbabu Praggnanandhaa, 16 tuổi, đã đánh bại đại kiện tướng Carlsen tại giải đấu cờ nhanh Airthings Masters tối 21/2.



Ngày 22/2, Rameshbabu Praggnanandhaa, kiện tướng cờ vua thiếu niên của Ấn Độ, đã giành được nhiều lời khen ngợi sau chiến thắng ngoạn mục trước nhà vô địch cờ vua thế giới người Na Uy, Magnus Carlsen, trong một giải đấu trực tuyến.


Chỉ sau 39 nước đi, Praggnanandhaa, 16 tuổi, đã đánh bại đại kiện tướng Carlsen tại giải đấu cờ nhanh Airthings Masters tối 21/2.

Một số kỳ thủ khác cũng từng đánh bại nhà vô địch Carlsen, trong đó có 2 kỳ thủ người Ấn Độ Viswanathan Anand và Pentala Harikrishna, nhưng Praggnanandhaa là người trẻ nhất kể từ khi đại kiện tướng người Na Uy trở thành nhà vô địch thế giới vào năm 2013.

Praggnanandhaa tỏ ra điềm tĩnh sau chiến thắng, nói: "Đã đến lúc đi ngủ vì cháu không nghĩ sẽ ăn tối vào lúc 2h30 sáng."

Trong khi đó, kỳ thủ Anand - 5 lần vô địch thế giới, được xem là kỳ thủ vĩ đại nhất Ấn Độ - ca ngợi nhân tài tuổi teen: "Luôn tự hào về các nhân tài của chúng ta! Một ngày thi đấu rất tốt của Praggnanandhaa."

[Kỳ thủ 12 tuổi trở thành Đại kiện tướng trẻ nhất tronglịch sử cờ vua]

Trên mạng xã hội Twitter, siêu sao bóng gậy (cricket) đồng hương Sachin Tendulkar nhấn mạnh: "Tuyệt vời Pragg. 16 tuổi và đánh bại Magnus Carlsen - giàu kinh nghiệm với nhiều danh hiệu… Thật kỳ diệu! Prag đã làm đất nước Ấn Độ hãnh diện.”

Năm 2016, Praggnanandhaa trở thành kiện tướng quốc tế trẻ nhất lịch sử khi mới 10 tuổi. Nhân tài trẻ tuổi này sinh ra ở thành phố Chennai thuộc bang Tamil Nadu và được nhiều người coi là sẽ thách thức danh hiệu kỳ thủ số một thế giới trong tương lai.

Giải đấu Airthings Masters mà Praggnanandhaa giành ngôi vô địch là chặng đầu tiên trong hệ thống giải Champions Chess Tour 2022 có tổng giá trị tiền thưởng 1,5 triệu USD, do đại kiện tướng Carlsen khởi xướng. Các kỳ thủ đấu vòng tròn một lượt. Với ván thắng, họ sẽ nhận được 3 điểm, hòa 1 điểm và thua không được điểm./.

Nguồn : vietnamplus.vn

 

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618